Đầu năm 2018, anh Đức Dương (Hà Nội) có kế hoạch mua một căn chung cư cao cấp tại đường Hàm Nghi, KĐT Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm. Vì chưa gom đủ số tiền cần thiết nên anh quyết định vay ngân hàng 2 tỷ đồng với thời hạn 10 năm, lãi suất ưu đãi trong thời gian đầu là 8,1%, sau ưu đãi là 11%/năm. Anh dự tính khi nào có đủ tiền sẽ hoàn trả lại ngân hàng trước hạn. Do nôn nóng vay để nhanh chóng đặt cọc và thanh toán trước 40% tiền nhà cho chủ đầu tư nên anh đã không để ý đến quy định phí phạt trả nợ trước hạn khi ký hợp đồng vay vốn.
Sau khoảng 18 tháng, nhờ bán được mảnh đất ở quê nên anh Dương muốn tất toán trước hạn, tuy nhiên ngân hàng thông báo phạt hơn 50 triệu đồng phí trả nợ trước hạn. Xót ruột với số tiền phạt khá cao, anh Dương đến ngân hàng hỏi rõ thì được cán bộ tín dụng giải thích, khi khách hàng tất toán hợp đồng từ năm thứ nhất đến năm thứ ba sẽ phải chịu mức phí phạt 3% trên tổng dư nợ gốc còn lại. Các năm sau đó, mức phí phạt sẽ giảm xuống
Tương tự, chị Minh Hoa (Bắc Ninh) cũng vay ngân hàng 700 triệu đồng trong 6 năm để mua căn hộ chung cư, lãi suất ưu đãi năm đầu là 7,8%/năm, nhưng sang năm thứ 2 lãi suất đã tăng lên gần 10%/năm. Lo sợ lãi suất ngày một tăng cao nên sau 2 năm, chị Hoa quyết định vay mượn của người thân (không lãi suất) để tất toán khoản nợ còn lại. Nhưng khi chị Hoa thanh toán thì bị ngân hàng phạt khoản phí trả trước hạn là 16 triệu đồng. Lúc này chị Hoa mới ngớ người vì trước khi vay, chị không để ý đến quy định phạt trả nợ trước hạn này và cũng không nghĩ số tiền phạt lại nhiều như vậy.
Thông thường, lãi phạt trả trước hạn được các ngân hàng áp dụng sẽ dao động trong khoảng
từ 0,5 đến 3,5% tính trên tổng số tiền trả nợ trước hạn
Thực tế, những trường hợp như anh Dương và chị Hoa không hề hiếm. Bởi trong tâm thế của người đi vay tiền, khách hàng thường muốn nhanh chóng ký vào hợp đồng tín dụng để hoàn tất thủ tục vay. Chính vì vậy, không ít người chỉ kiểm tra qua loa hoặc không hỏi cụ thể về quy định phí phạt trả nợ trước hạn.
Hiện nay, mỗi ngân hàng sẽ có quy định về mức phí phạt trả nợ trước hạn và cách tính khác nhau. Thông thường, lãi phạt trả trước hạn được các ngân hàng áp dụng sẽ dao động trong khoảng từ 0,5 đến 3,5% tính trên tổng số tiền trả nợ trước hạn. Tuy nhiên cũng có một số ngân hàng áp dụng theo công thức khác khiến cho số tiền mà khách hàng phải nộp phạt tương đối lớn.
Cán bộ tín dụng của ngân hàng Vietcombank chi nhánh Hà Nội cho biết, phí trả nợ trước hạn là số tiền mà khách hàng phải bỏ ra khi hoàn tất khoản vay gốc sớm hơn so với thời hạn ghi trên hợp đồng tín dụng. Nói một cách đơn giản hơn là khi khách hàng lựa chọn gói vay có lãi suất ưu đãi, nhưng trả nợ gốc không theo lộ trình đã ký kết thì sẽ phải chịu phạt. Việc ngân hàng thu phí trả nợ trước hạn để nhằm bù đắp những chi phí trả lãi huy động vốn của ngân hàng đã phát sinh khi khách hàng thanh toán nợ trước hạn. Đồng thời đây cũng là chế tài để phạt người vay vi phạm hợp đồng tín dụng đã ký kết nhằm nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ đối với bên vay. Điều này là hoàn toàn đúng theo quy định của ngân hàng Nhà nước.
Liên quan đến việc trả nợ trước hạn, người vay cần lưu ý một số yếu tố sau:
Thứ nhất, gói vay phải được ghi rõ có thể thanh toán trước hạn hay không và cụ thể mức phí phạt là bao nhiêu. Bởi vậy, nếu có ý định thanh toán trước hạn cho khoản vay của mình, người vay cần phải tìm hiểu rõ về gói vay trước khi ký kết hợp đồng tín dụng.
Thứ hai, một số ngân hàng có quy định đối với khách hàng lựa chọn gói vay ưu đãi, khi trả nợ trước hạn ngoài khoản phí trả nợ trước hạn phải nộp thì khách hàng còn phải hoàn trả lại khoản lãi đã được ngân hàng ưu đãi. Chính vì vậy, người vay cần phải tìm hiểu cụ thể để tránh bị bất ngờ hoặc hiểu lầm về các gói vay ưu đãi hấp dẫn mà ngân hàng đưa ra trước đó.
Thứ ba, các ngân hàng thường quy định mức phí phạt trợ nợ trước hạn khác nhau theo từng giai đoạn, ví dụ trả trước hạn trong năm đầu tiên, trước thời gian 3 năm, trước thời gian 5 năm… Người vay cần nắm rõ quy định này để tính toán cho phù hợp với kế hoạch tài chính của mình, tránh thiệt thòi khi bị áp mức phí phạt trả nợ quá cao.
Bên cạnh đó, hiện nay có một số ngân hàng có chính sách miễn phí trả nợ trước hạn khi gói vay đạt một số điều kiện nhất định, người vay có thể ưu tiên lựa chọn để tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể khi có nhu cầu trả nợ trước hạn. Chẳng hạn: Hong Leong Bank, BIDV, Standard Chartered, UOB miễn phí trả nợ trước hạn từ năm thứ 4 trở đi; Techcombank, VPBank miễn phí trả nợ trước hạn từ năm thứ 5 trở đi; VIB, Vietcombank miễn phí trả nợ trước hạn từ năm thứ 6 trở đi. Cá biệt có Eximbank miễn phí hoàn toàn trả nợ trước hạn nhưng gói vay không kèm ưu đãi về lãi suất.