Các chuyên gia đều nói rằng nuôi con bằng sữa mẹ đem đến rất nhiều lợi ích cho bé. Thế nhưng, đây không phải là một công việc dễ dàng. Nếu quyết định nuôi con bằng sữa mẹ, bạn sẽ đương đầu với rất nhiều vấn đề, từ việc núm vú bị nứt, sưng, sữa chảy quá ít/quá nhiều cho đến việc bé gặp khó khăn khi bú. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn cần phải hiểu rõ vấn đề và kiên trì vượt qua. Nếu đang băn khoăn về việc có nên cho con bú mẹ hay không, bạn hãy cùng theo dõi một vài kinh nghiệm nuôi con bằng sữa mẹ của các bà mẹ đã từng cho con bú trước khi ra quyết định nhé.
=>> Xem thêm: Bình sữa cho trẻ không chịu bú bình
1. Kinh nghiệm nuôi con bằng sữa mẹ của chị Thu Trang (Quận Bình Thạnh, TP. HCM)
Trong thời gian cho con bú, ban đêm tôi thường không ngủ được. Cu Bi hay cắn ti mẹ mỗi khi bé mọc răng. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy vui mỗi lần cho con bú vì bé đang lớn lên khỏe mạnh.
Giải pháp
Khi bé cắn, tôi ngừng cho bé bú và nói với bé rằng mẹ rất đau. Sau một lúc, tôi cho bé bú lại. Nếu bé vẫn tiếp tục cắn thì tôi lại ngưng cho bé bú. Sau nhiều lần bị ngừng bú, bé đã bớt cắn ti mẹ hơn.
2. Chị Thanh Tâm (Long An)
Lúc mới bắt đầu cho bé bú, cứ mỗi lần đưa ti vào miệng thì bé không chịu ngậm, mút sữa và khóc rất nhiều. Mọi người cứ cho rằng do tôi ít sữa quá. Nhiều người khuyên tôi nên cho bé dùng sữa công thức nhưng tôi không đồng ý và đã có người nghĩ rằng tôi là một người mẹ tồi.
Thật sự, có làm mẹ bạn mới biết. Mỗi lần nghe tiếng con khóc, ruột gan tôi cứ thắt lại cộng với việc ban đêm không ngủ được, tôi cảm thấy rất tuyệt vọng. Mỗi lần nghe những lời đó, tôi lại ôm con khóc nức nở.
Giải pháp
Ban đầu, tôi cảm thấy rất căng thẳng và mệt mỏi nhưng nghĩ thương con, tôi quyết định tham gia vào diễn đàn của các bà mẹ và lên mạng tìm hiểu thông tin về cách cho bé bú. Khi tham gia, tôi đã nhận được rất nhiều lời động viên và lời khuyên tích cực của những chị em có kinh nghiệm nuôi con bằng sữa mẹ. Bây giờ, bé nhà tôi đã biết cách bú, ít khóc hơn và lượng sữa của tôi cũng tiết ra ổn định đủ cho con trong mỗi cữ bú.
3. Chị Minh Anh (Bình Phước)
Tôi mất đến 3 năm mới có thể mang thai đứa con đầu lòng. Sau khi sinh, tôi quyết tâm cho bé bú mẹ vì mong muốn con mình sẽ nhận được những điều tốt nhất từ sữa mẹ.
Tuy nhiên, khi cho bé bú, mọi việc không dễ như tôi tưởng. Núm vú tôi bị nứt, lượng sữa tiết ra không đủ, ngủ không đủ. Tất cả những vấn đề này tôi vẫn xoay sở được để có thể cho con bú mẹ hoàn toàn trong 4 tháng đầu.
Thách thức lớn nhất là khi tôi bắt đầu đi làm lại. Do tính chất công việc, tôi phải làm từ 7 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Tôi phải tận dụng giờ nghỉ trưa để vắt sữa và tôi cảm thấy buồn vì con không bú đủ sữa mẹ.
Giải pháp
Nhờ một người bạn hướng dẫn, tôi đã nghĩ ra cách giải quyết vấn đề này là sử dụng một máy hút sữa bằng pin rất tiện lợi. Tôi mặc thêm áo hút sữa rảnh tay cho mẹ nên việc hút sữa trở nên dễ dàng hơn. Trong khi ngồi hút sữa, tôi có thể làm những việc cần thiết khác, tất nhiên tôi vẫn phải ngồi trong phòng kín để làm việc này.
Sau khi hút, tôi cất sữa mẹ vào ngăn đá của tủ lạnh trong công ty. Đến giờ về tôi lấy những chai đựng sữa và cho vào túi giữ nhiệt, trong đó đặt sẵn những gói đá khô. Về nhà, tôi đổ những chai sữa đã hút vào trong bịch trữ sữa, ghi ngày tháng vắt lên bịch và cất vào tủ đông. Vì vậy, mỗi ngày, người nhà tôi có thể dùng sữa này rã đông, sau đó cho con bú. Nhờ vậy, tôi không tốn tiền mua sữa cho con được hơn một năm nay rồi.
4. Chị Ngọc Mai (Quận 8, TP. HCM)
Lúc sinh bé đầu lòng, tôi có rất ít sữa. Mỗi khi tôi cho bé bú, bé lại không chịu và khóc. Cứ mỗi 3 – 4 giờ, tôi lại phải vắt sữa, cả ngày lẫn đêm. Tình trạng kéo dài trong 2 tháng, tổng lượng sữa ở cả 2 vú của tôi chỉ được khoảng 30 – 60ml/lần hút. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định cho bé bú bất cứ khi nào có thể. Đến tháng thứ ba, nỗ lực của tôi đã được đền đáp và bé đã có thể bú tốt.
Đến bé thứ 2, sữa của tôi lại quá nhiều và tôi phải đem cho các mẹ khác nhưng tôi thường bị tắc ống dẫn sữa. Tình trạng này khiến tôi bị sốt hơn 39°C và bị đau khủng khiếp.
Giải pháp
Tôi đã dùng paracetamol để giảm đau và vắt sữa tích cực hơn. Ngoài ra, tôi chườm nóng 2 bên vú bằng cách cho gạo vào trong túi vải, may kín lại. Khi nào cần chườm nóng, tôi cho 2 túi gạo vào trong lò vi sóng quay 2 phút. Lấy 2 túi và chườm lên vùng ngực. Nếu quá nóng, tôi lót thêm một chiếc khăn mỏng. Khi nào độ nóng giảm bớt, tôi sẽ lấy khăn ra. Massage ngực thường xuyên cũng là cách giúp giảm tình trạng tắc ống dẫn sữa hiệu quả.
5. Chị Thanh Thảo (Quận 1, TP. HCM)
Đối với tôi, giai đoạn khó khăn nhất khi cho con bú là tháng đầu tiên. Trong tháng này, bé nhà tôi dường như không tăng cân. Ban đầu, tôi nghĩ là do sữa của tôi không đủ, khiến bé bị đói nên cực kỳ lo lắng. Ngoài ra, núm vú của tôi cũng liên tục bị nứt và chảy máu.
Giải pháp
Tôi quyết định tìm kiếm lời khuyên từ các diễn đàn, các nhóm của các bà mẹ bỉm sữa. Tôi nhận thấy rằng mình không phải là người duy nhất gặp phải tình trạng này. Điều này đã thúc đẩy tôi kiên trì và tiếp tục hành trình nuôi con bằng sữa mẹ.
Với tình trạng núm vú bị nứt, chảy máu, tôi đã vượt qua nó bằng quyết tâm đem lại nguồn sữa đầy dinh dưỡng cho con. Cách tôi giải quyết vấn đề này là chịu đau. Sau một thời gian chịu đau và không để ý đến nó nữa, tình trạng nứt cũng tự nhiên khỏi hẳn. Bây giờ, mỗi cữ bú của mẹ con tôi diễn ra êm đẹp và trong khi cho con bú, tôi có cơ hội nhìn ngắm con bằng sự trìu mến, yêu thương.
Trên đây là những chia sẻ của các mẹ trong việc cho con bú, với những chia sẻ trên đây hi vọng sẽ mang đến những thông tin hữu ích dành cho các mẹ bỉm sữa khác.
(Nguồn: Sưu tầm)
=>> Xem thêm: https://kidsplaza.vn/binh-sua-dr-brown-my.html