Bà sinh tại xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An trong một gia đình 9 anh chị em. Năm 11 tuổi, Võ Thị Thắng tham gia hoạt động cách mạng bằng việc đưa thư liên lạc và cùng gia đình nuôi giấu cán bộ, với suy nghĩ rất đơn giản rằng cả quê hương, toàn dân đánh giặc thì tất nhiên trong đó có mình.
Người con gái cách mạng Võ Thị Thắng trong bức ảnh nổi tiếng mang tên “Nụ cười chiến thắng”. |
Sau quá trình tham gia các phong trào đấu tranh xuống đường của thanh niên, sinh viên Sài Gòn, phong trào công nhân và nhân dân lao động khu xóm, xí nghiệp nội thành, diệt ác phá kềm, bà bị bắt giam. Suốt 6 năm dài, bà bị giam cầm và tra tấn ở các nhà lao Thủ Đức, Chí Hòa, Côn Đảo.
Đất nước thống nhất, bà Võ Thị Thắng tham gia công tác tại Thành đoàn, Hội liên hiệp Phụ nữ TP HCM, rồi được giao nhiệm vụ Phó Chủ tịch thường trực Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Bà từng trúng cử Ban chấp hành Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Cuba và sau này giữ cương vị Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (1996-2007).
Trong ký ức của nhiều người thuộc thế hệ đi trước vẫn còn nhớ rất rõ sự kiện xảy ra ngày 2/8/1968. Trước Tòa án quân sự mặt trận vùng 3 chiến thuật của chính quyền Sài Gòn, sau khi nghe kết án, Võ Thị Thắng đã nở nụ cười, dõng dạc tuyên bố: “Liệu chính quyền của các ông có tồn tại đến 20 năm để bỏ tù tôi không?”.
Bức ảnh “Nụ cười chiến thắng” với câu nói ngắn gọn, đanh thép của cô gái miền Nam, nữ sinh Sài Gòn Võ Thị Thắng đã làm rung động lòng người, tác động tích cực đến tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, là nguồn cảm hứng cho nhiều sáng của văn nghệ sĩ trong nước và ngoài nước vào thời bấy giờ.
Bà Võ Thị Thắng, nguyên Tổng cục trưởng Du lịch qua đời vào hồi 8h20 phút ngày 22/8 tại TP HCM. Lễ viếng sẽ được cử hành từ 7 giờ 30 phút ngày 23/8 đến hết ngày 24/8 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng phía Nam, số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP HCM. Lễ truy điệu vào lúc 7 giờ 30 phút ngày 25/8/2014, sau đó di quan về an táng tại xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. |
Diệu Huyền
Theo DuLich.vnexpress.net