Mùa xuân đang về trên khắp các nẻo đường Tây Bắc, khi hoa đào chuẩn bị bung sắc thắm cũng là lúc những chàng trai, thiếu nữ bản trên, bản dưới váy áo tung tăng đi tìm bạn. Lên Sapa, Lào Cai vào mùa này, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ Dao Đỏ đang miệt mài thêu thùa bên vệ đường, hay bên khung cửa dệt thêu những mẫu hoa văn tuyệt đẹp.
Với người phụ nữ Dao Đỏ, chuyện ăn mặc rất được coi trọng, trang phục của họ thể hiện sự sáng tạo, tinh tế trên từng đường kim, mũi chỉ. Những cô gái ở độ tuổi lên chín, lên mười đã được bà, mẹ truyền dạy cho cách kéo sợi, dệt vải hay may vá thêu thùa. Để đến khi biết làm duyên cũng là lúc các thiếu nữ biết tự may cho mình những trang phục đẹp và duyên dáng.
Những người phụ nữ Dao tranh thủ thêu thùa sau phiên chợ. Ảnh: Anh Phương. |
Người Dao thường trồng bông trên núi, họ tranh thủ những lúc nông nhàn, không phải lên nương, rẫy để bật bông, ép hạt, se sợi, dệt vải và may trang phục. Thường vào tháng 1, tháng 2, khi những cánh đồng ít sương muối, họ tranh thủ gieo hạt, để đến ngày lấy bông, họ cho vào nồi đun qua nước sôi rồi ngâm vào nước lạnh, sau đó mới kéo thành sợi, dệt vải.
Cũng như nhiều trang phục của người Dao khác, một bộ trang phục truyền thống hoàn chỉnh của người Dao Đỏ gồm khăn, mũ, áo, quần, thắt lưng, xà cạp quấn chân. Nhưng bộ trang phục đẹp, cầu kỳ phải có đúng 5 màu cơ bản phối vào nhau.
Quan trọng nhất trong trang phục của họ là chiếc áo dài có màu chàm hoặc màu đen. Phụ nữ Dao Đỏ không mặc áo ngắn mà chỉ mặc áo dài, thân tay áo nối liền vào thân, không khoét nách như các loại áo dân tộc khác. Cổ áo được nẹp liền với ngực, thêu kín các họa tiết trang trí bằng chỉ màu. Phía đầu của nẹp ngực đính chuỗi hạt cườm và tua màu đỏ.
Ngay từ khi còn nhỏ, các thiếu nữ đã được các bà, các mẹ truyền dạy cho kỹ thuật may vá, thêu thùa. Ảnh: Anh Phương. |
Phụ nữ Dao đỏ cũng chú ý đến các họa tiết ở tay áo. Thường cửa tay áo, nẹp được thêu chủ yếu bằng chỉ đỏ và chỉ trắng, hoặc chỉ vàng. Họ cũng biết làm duyên bằng một chiếc áo nhỏ bên trong, với những họa tiết tập trung ở phía ngực, cổ và lưng áo. Thường họ thêu hoặc đính cúc hoa bạc theo chiều dọc ở giữa áo, mặc bên trong chiếc áo dài. Các họa tiết thường được thêu là hình cây thông, hình dấu chân hổ, hình hoa kiệu, hình răng cưa… Khi mặc, các hoa văn được kết hợp rất hài hòa, đẹp mắt.
Để biết được độ tinh xảo, kỹ thuật thêu cầu kỳ phải kể đến chiếc quần. Phía trên quần màu đen tuyền, không có hoa văn, nhưng ở phía dưới, họa tiết được thêu rất tỉ mỉ. Những hoa văn trang trí ở hai ống quần thường là hình vuông, hình chữ nhật màu đỏ, vàng, trắng hay hình cây thông, hình quả trám…, tạo nên một sự cân đối hài hòa cho toàn bộ trang phục.
Người Dao Đỏ ngồi thêu bên phố núi Sa Pa. Ảnh: Anh Phương. |
Người ta dễ dàng phân biệt được phụ nữ Dao đỏ với các phụ nữ Dao khác qua chiếc khăn đỏ đội đầu sặc sỡ. Thường khăn được trang trí bằng các họa tiết như vết chân hổ, cây vạn hoa hay thêu cách đoạn. Khi đội lên đầu, họa tiết của các lớp hoa văn này sẽ lộ ra, tăng thêm vẻ duyên dáng cho chiếc khăn. Nhiều chị, nhiều bà còn làm những tua len bằng sợi tơ đỏ trên khăn, lúc lắc theo mỗi bước đi.
Cuối cùng là hoa văn trang trí trên chiếc xà cạp, chủ yếu là hình răng cưa. Người phụ nữ thắt xà cạp không những để che phần vải không thêu hoa văn của áo dài mà còn tăng thêm vẻ sinh động cho bộ trang phục.
Với tính nhẫn nại, cần cù và đôi bàn tay khéo léo, nghệ thuật tinh tế trong sử dụng màu sắc, người Dao Đỏ đã tô điểm thêm cho bộ trang phục của mình thêm phần rực rỡ, như đóa hoa ngời sắc giữa núi rừng mà không lẫn với bất cứ dân tộc nào.
Anh Phương
Theo DuLich.vnexpress.net