Dọc ven biển miền Trung không thiếu những ghềnh đá đẹp như Ghềnh Ráng (Quy Nhơn), Ghềnh Bàng (Đà Nẵng) hay ghềnh Bàn Than (Quảng Nam), nhưng độc đáo nhất phải kể đến ghềnh Đá Đĩa ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Đối lập với màu nước biển xanh ngăn ngắt là màu đen huyền bí của một bãi đá nhấp nhô trải dài ven biển, khiến ai ngang qua cũng phải ngỡ ngàng.
Càng tiến lại gần người ta càng sửng sốt trước một kiệt tác thiên tạo bày ra trước mắt. Hàng chục nghìn cột đá hình lục giác xếp chồng lên nhau trông như một tổ ong khổng lồ bên bờ biển. Ước tính, tại đây có khoảng 35.000 cột đá dài khoảng 60-80 cm, dù thẳng đứng hay nghiêng vẹo nhưng tất cả đều ken khít vào nhau mà chẳng cần đến các chất kết dính như xi măng hay vôi vữa.
Ghềnh đá đĩa nhìn từ trên cao như tổ ong khổng lồ bên bờ biển. |
Dù vậy, đừng ngại ngần trải nghiệm cảm giác bước chân trần trên những chiếc “đĩa đá” để hiểu hơn về tên gọi đầy tính tượng hình này. Đó là bởi trong diện tích chỉ khoảng một km2 nhưng có những chỗ đá xếp cao và thẳng, có chỗ đá lại xếp trải dài hoặc nghiêng, trông như chồng bát đĩa. Theo dòng chảy thời gian cùng những đợt sóng dồn từ biển, các cột đá ở đây chẳng hề tách rời hay đứt gẫy mà cứ bám cuốn lấy nhau. Hòn nọ nối tiếp hòn kia vươn mình ra biển lớn.
Với muôn hình vạn trạng, ghềnh Đá Đĩa còn hấp dẫn người xem bởi những gam màu biến đổi theo ánh sáng mặt trời. Khi bình minh lên, màu đen tuyền của những khối đá đĩa phủ ánh vàng rực rỡ của tia nắng chói chang đầu ngày đặc trưng vùng duyên hải miền Trung. Còn khi chiều xuống, ráng đỏ hoàng hôn nhuộm hồng các phiến đá. Bởi thế, mỗi khoảnh khắc ghềnh Đá Đĩa lại mang đến cho du khách những cảm nhận khác nhau.
Những khối đá đen phản chiếu ánh nắng mặt trời. |
Bước chân như chẳng thế đứng yên khi đặt chân đến ghềnh Đá Đĩa, để khi dạo một vòng quanh danh thắng thiên nhiên kỳ vĩ này, bạn sẽ khám phá ra những điều tưởng chừng như quen thuộc nhưng lại hết sức thú vị ở đây. Đó là những loài sinh vật nhỏ ẩn mình trong các hõm trũng giữa ghềnh. Nào rong rêu, tảo biển, nào tôm, cá, cua càng, đôi khi còn có cả sứa và sao biển theo sóng thủy triều trôi dạt vào đây.
Tuy chỉ toàn đá khối và sóng biển nhưng nếu đi tiếp về phía cuối ghềnh bạn sẽ thấy một bãi cát trắng thoai thoải trải dài có thể tắm với làn nước trong xanh, mát lạnh. Đôi bàn chân trần trở nên thô ráp khi bước trên nền đá nhưng khi dạo xuống đây, sẽ được sóng biển dịu êm và bờ cát mịn màng xoa dịu, một cảm giác thư thái như được mát xa chân.
Bãi tắm mịn màng bên cạnh ghềnh Đá Đĩa. |
Nhiều người đến và đi cho rằng ghềnh Đá Đĩa đẹp nhưng buồn vì khá vắng. Nhưng nếu có dịp đến đây, bạn đừng bỏ qua điểm tham quan ngay gần đó là ghềnh Đèn (hay gành Đèn), bởi sẽ khiến chuyến đi của bạn thêm phần thú vị. Khác với ghềnh Đá Đĩa, những tảng đá tại ghềnh Đèn có màu hồng nhạt, không ken khít vào nhau mà chồng chất tự nhiên tạo thành nhiều hang hốc nhỏ.
Ấn tượng nhất của ghềnh nằm ở ngọn hải đăng cùng tên sơn hai màu trắng đỏ nằm nổi bật trên mũi đá đâm ngang ra biển. Đây là loại đèn báo cửa, giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Phú Yên. Đứng từ hải đăng nhìn bao quát xung quanh, bạn sẽ thấy cả một vùng trời biển mênh mông, yên bình với những con thuyền trôi lặng lẽ trong khi dưới chân sóng xô bờ đá ầm ào.
Thông tin thêm: Ghềnh Đá Đĩa hay gành Đá Dĩa nằm trong xã An Ninh Đông, huyện Tuy An của tỉnh Phú Yên. Từ thành phố Tuy Hòa theo Quốc lộ 1A về hướng Bắc khoảng 30 km, đến thị trấn Chí Thạnh rẽ phải về phía Đông khoảng 12 km là đến ghềnh Đá Đĩa. Bạn cũng có thể đi theo tuyến đường ven biển từ Tuy Hòa đến ghềnh Đá Đĩa dài khoảng 35 km. |
Vy An
Theo DuLich.vnexpress.net