Bánh đa cua
Đi khắp phố phường Hà Nội không khó để bắt gặp những quán hàng treo biển bán bánh đa cua Hải Phòng. So với các món như phở bò, bún chả… đặc sản bánh đa cua đất Cảng thực sự đã mang đến làn gió mới cho ẩm thực Hà Thành. Trước hết là ở sợi bánh đa to, dai và mềm khác hẳn với những sợi bún, phở hay ăn, đặc biệt sợi còn có màu đỏ bắt mắt nhưng không hề gây hại do được nhuộm bằng đường mía.
Bánh đa của Hải Phòng. Ảnh: An Biên |
Tiếp đến là nguyên phụ liệu ăn kèm vô cùng phong phú, ngoài riêu cua còn có chả lá lốt, chả cá, mọc, tôm, mộc nhĩ, rau muống hoặc rau rút tùy mùa. Một bát bánh đa cua vừa một người ăn nhưng đủ các sắc màu bắt mắt của rau xanh, sợi bánh đa đỏ, gạch cua vàng, chả lá lốt đen sậm… Thêm chút chí chương (tương ớt) là bạn đã có một bát bánh đa cua Hải Phòng trọn vẹn.
Bún tôm
Đơn giản nhưng lạ miệng là cảm nghĩ chung của nhiều người khi thưởng thức bún tôm chính hiệu Hải Phòng. Các hàng bún tôm ở Hà Nội không nhiều nhưng khi được nấu đúng điệu của thành phố hoa phượng đỏ thì luôn đông khách. Cũng là món bún hải sản như bún cá, bún ốc nhưng bún tôm lại thu hút bởi nước dùng trong veo nhưng ngọt thơm, dậy mùi chắt lọc từ thịt tôm. Bỏ vào nắm bún, đặt lên vài con tôm, ít hành phi, rau muống, mộc nhĩ, thịt băm là thực khách đã có một bát bún tôm thơm ngon hết sảy. Bún tôm ăn không gây ngán, vừa miệng, dễ ăn lại có thể thưởng thức cả đông lẫn hè. Đường Xã Đàn, Phan Huy Ích là nơi bạn có thể tìm được những bát bún tôm ưng ý.
Bánh mì cay
Bánh mì cay Hải Phòng. Ảnh: diemhenviet |
Dân dã nhất trong các món đặc sản phổ biến ở Hà Thành chính là bánh mì cay. Buổi sáng, người ta có thể bắt gặp các hàng bán bánh mì cay Hải Phòng ở khắp các tuyến đường gần khu công sở và trường học. Tối đến, lên chợ Đồng Xuân là có thể nhấm nháp vài cái cho ấm bụng. Chỉ đơn giản là chiếc bánh mì giòn tan bé xíu như hai ngón tay, kẹp vào giữa patê, hành phi thơm và chút chí chương cay xè mũi mà ai nấy đều “say”. Bánh nhỏ nên ngoài dùng làm đồ ăn sáng, bánh chủ yếu để ăn chơi, lót dạ.
Lẩu cua đồng
Lẩu riêu cua không có gì xa lạ nhưng với những người sành ăn, ngon nhất vẫn là lẩu cua đồng đúng điệu Hải Phòng. Cũng là một nồi nước lẩu riêu cua đồng cùng đồ nhúng nhưng điểm khác biệt của đặc sản Hải Phòng là có lòng non của lợn, chả cá (chế biến theo kiểu Hải Phòng, thường là từ thịt cá thu) và đặc biệt ăn kèm với bánh đa đỏ thay vì bún, rau mùng tơi thay vì rau sống thái nhỏ. Một số nơi còn có thịt bò, đậu phụ, trứng vịt lộn cho thêm phần phong phú.
Nem cua bể
Nem cua bể. Ảnh: An Biên |
Không giống nem dài ở Hà Nội hay Sài Gòn, nem cua bể Hải Phòng có hình vuông vàng rộm, rất lạ mắt nên ai nhìn cũng bị thu hút ngay. Nem to bằng lòng bàn tay, bên trong là cua bể tươi, thịt gà, tôm, trứng… cùng nấm hương, mộc nhĩ và hạt tiêu thơm nức mũi. Nem cua bể nóng giòn ăn kèm với bún, nước chấm chua ngọt và không thể thiếu rau xà lách, lá đinh lăng. Thực khách có thể tìm đến các quán nem hoặc đặc sản Hải Phòng trên đường Giảng Võ, Bùi Thị Xuân, Triệu Việt Vương… để thưởng thức nem cua bể.
Cơm cháy hải sản
Món ngon này là sự kết hợp giữa cơm cháy Ninh Bình với nước sốt hải sản – món ăn quen thuộc của người Hải Phòng để trở thành nét đặc trưng riêng của ẩm thực đất Cảng. Nếu nước sốt ăn kèm với cơm cháy Ninh Bình theo truyền thống được chế biến từ nước xào tim cật và nước hầm thịt dê thì nước sốt dùng trong món cơm cháy Hải Phòng được chế biến từ hải sản gồm tôm, cua, mực, tu hài. Bát nước sốt có màu đỏ tươi của cà chua và mùi thơm, vị ngọt của hải sản, chấm với cơm cháy ăn rất hợp. So với các món đặc sản khác thì cơm cháy hải sản khá khó tìm ở Hà Nội. Bạn có thể tìm quán cơm cháy trên đường Thanh Nhàn để thưởng thức.
Vy An
Theo DuLich.vnexpress.net