Nằm dọc hai bên bờ kênh Vĩnh An, đối diện thị xã Châu Đốc là làng Chăm Châu Phong, thuộc thị xã Tân Châu. Đây là ngôi làng cổ, còn mang đậm nét đặc trưng văn hóa Chăm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Thời gian dệt được một tấm thổ cẩm kéo dài khoảng 9 ngày hoặc cả tháng. Ảnh: Lâm Chiêu. |
Người Chăm xưa có tục “cấm cung” con gái ở tuổi 10 – 12 và bắt ở nhà học cách thêu dệt. Chính vì thế, họ có đôi bàn tay rất khéo léo. Ngày nay, tập tục này không còn nhưng phụ nữ Chăm vẫn luôn giữ gìn nghề truyền thống.
Nguyên liệu chính để dệt thổ cẩm là sợi bông nhuộm chàm và tơ tằm đã nhuộm màu. Phần màu lấy từ nguyên liệu thiên nhiên như mủ cây (klek), vỏ cây (pahud) và trái cây (mặc nưa). Dù màu chủ yếu chỉ gồm xanh, trắng, vàng, đen nhưng luôn tươi sáng và ấn tượng.
Trước đây, một số công đoạn được làm thủ công như nhuộm màu chỉ, dệt vải… Ngày nay, để tiết kiệm thời gian, tơ công nghiệp được sử dụng nhiều hơn. Để khắc phục yếu tố không bền màu và mỏng của chỉ công nghiệp, người Chăm sáng tạo ra nhiều cách thêu, bố trí hoa văn để mỗi sản phẩm làm ra luôn đẹp nhất.
Các họa tiết được thêu chủ yếu là biểu tượng tâm linh, hiện tượng và vật thể tự nhiên, những hình ảnh gần gũi với cuộc sống như các loài động thực vật…. Ảnh: Nguyễn Nhân. |
Tấm vải sau dệt được may thành khăn choàng tắm, khúc vải óng ánh sắc màu, xà rông hoa, tơ – áo thổ cẩm, bóp, khăn thêu, hộp đựng nữ trang, túi đeo và đặc biệt là những chiếc khăn buộc tóc rất đẹp, lạ mắt. Ngoài ra, các cô gái Chăm còn dệt icat (một loại khăn làm của hồi môn khi về nhà chồng).
Với vẻ đẹp mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế, sang trọng, thổ cẩm Châu Phong ngày càng được nhiều người ưa chuộng.
Lan Thoa
Theo DuLich.vnexpress.net