Điều đó không có nghĩa là người dân ở Bình Nhâm, huyện Thuận An, Bình Dương, ăn Tết sớm hơn các vùng trong cả nước. Chỉ bởi nghề làm mứt gừng truyền thống nên nàng xuân như sớm đã ghé đến Bình Nhâm từ nhiều tháng trước.
Không rõ nghề làm mứt gừng ở đây có từ bao giờ, chỉ biết rằng nhiều thế hệ trong một gia đình đã cùng làm từ năm này qua năm khác. Tương truyền trước đây Bình Nhâm là vùng trái ngọt cây lành. Vào mùa xuân, tiết trời ôn hòa, củ quả chín đầy vườn ăn không hết. Bà tổ nghề này nghĩ ra cách nhào nguyên liệu với đường cát trắng trên bếp lửa đốt bằng những cành nhánh cây khô trong vườn, để giữ được lâu.
Người Bình Nhâm làm mứt gừng đón Tết. Ảnh: baobinhduong |
Trải qua bao thăng trầm, đến nay nghề làm mứt gừng đã trở thành kế sinh nhai của nhiều hộ gia đình ở trong làng. Đến Bình Nhâm, du khách sẽ cảm nhận rõ rệt mùi gừng tươi cay cay nơi sống mũi và hương thơm ấm nồng của những nồi mứt đang sục sôi trên những bếp lửa hồng, quyện trong khí trời se lạnh mùa đông.
Để có thể cho ra lò những mẻ mứt vào đúng dịp bà con đi sắm Tết, người dân làng nghề ở đây đã phải tìm mua gừng tươi từ tháng 8 âm lịch. Vì đây là thời điểm củ gừng vừa đúng độ, làm mứt sẽ không có xơ, lại dẻo. Củ gừng thu hoạch trước hoặc sau thời điểm này, nếu đem làm mứt thì sẽ không đạt chất lượng như mong muốn.
Sau khi dỡ từ ruộng, những củ gừng to tròn, đẹp nhất được chọn chất lên xe thồ rồi nườm nượp đổ về khắp các con ngõ ở Bình Nhâm, tạo nên khung cảnh đông vui như trẩy hội. Cả một vùng quê yên bình bỗng rộn ràng tiếng nói cười và gọi nhau í ới. Ở đây, làm mứt không phải là công việc của riêng ai, nên già trẻ, gái trai ai nấy đều xắn tay vào việc.
Gừng được chọn có màu vàng, để cả củ. Ảnh: hoianuong |
Gừng tươi mới mua về chất đống, người cạo vỏ, đem ngâm trong những thùng nước chanh to, người vớt đi phơi ở khoảng sân trước hiên nhà cho thật trắng. Tưởng như đơn giản nhưng làm mứt gừng phải trải qua nhiều công đoạn. Gừng phơi xong đem luộc cho bớt mùi cay nồng rồi ướp đường cho thấm, đến lúc gần bán mới đem sên trên bếp lửa hồng để vị cay của gừng quyện trong vị ngọt của đường nóng.
Nhờ vậy, mứt gừng Bình Nhâm vừa dẻo thơm, vừa miệng, vừa giữ được màu trắng mà không cần dùng đến phèn chua hay hàn the nên rất được lòng thực khách. Ngoài món mứt gừng nguyên củ, người dân còn làm đủ các loại mứt từ bí, khoai lang, mãng cầu, me… để đổi vị chơi xuân.
Mứt gừng trắng, dẻo và ngọt bùi. Ảnh: monngonvietnam |
Đến Bình Nhâm vào những ngày giáp Tết, hòa mình vào bầu không khí lao động khẩn trương, tận mắt chiêm ngưỡng những gam màu củ quả lấp lánh mật đường dưới ánh nắng vàng ươm, được hít hà hương thơm mứt mới ra lò, mới thật sự cảm nhận được không khí cổ truyền ngày Tết.
Khi đã con mắt và thử đủ loại vị, đừng quên mua chút mứt gừng Bình Nhâm làm quà và đãi khách trong dịp Tết. Vốn là món ăn chơi không thể thiếu trong khay bày đồ Tết, mứt gừng cũng được nhiều gia đình dâng lên bàn thờ cúng tổ tiên. Nếu muôn sắc màu của mứt thể hiện mong muốn về một năm đầy đủ với tài lộc, hạnh phúc, ấm no thì riêng với mứt gừng, đó là ước vọng về sự nồng ấm, chân tình.
Vy An
Theo DuLich.vnexpress.net