Tháng 3, những bông hoa cà phê bắt đầu nở rộ làm bừng trắng cả một vùng. Những đàn ong lũ lượt kéo đến tìm mật, cùng đàn bướm đủ sắc bay lượn khắp trời tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Đến tháng 6, hoa trắng thay thế bằng những nụ quả xinh xinh bám đầy trên cành. Những hạt ngọc xanh vươn mình đón nhận cơn mưa mùa hạ để chuyển mình thành màu đỏ mọng tạo nên ly cà phê Ban Mê thơm ngon, nồng nàn.
Hoa cà phê trắng muốt, thanh tao tạo nên vẻ đẹp quyến rũ của Tây Nguyên nắng gió. Ảnh: Osakacoffee |
Khi cơn mưa đầu mùa của Tây Nguyên bắt đầu giăng khắp cũng là lúc những con sâu muồng bám đầy trên lá cây xanh non ở các rẫy cà phê, rẫy tiêu và con đường dẫn vào buôn làng.
Đây được xem là đặc sản đầu mùa mưa của người dân Tây Nguyên. Sâu muồng có màu xanh đậm, mình trơn, không phủ lông trên cơ thể, bám trên lá cây và di chuyển bằng cách cong mình lại rồi vươn đầu ra phía trước. Vào những ngày trời nắng nóng, sâu bám thân mình vào cây muồng, loại cây trồng để chắn sương muối cho cà phê. Khi trưởng thành, sâu di chuyển về thân cây muồng để kéo kén thành nhộng. Đó cũng là lúc những con sâu ngủ dài và chờ đợi để được trở thành bướm với đôi cánh lung linh bay lượn khắp bầu trời Tây Nguyên.
Khi kén sâu phủ đầy trên lá và chuyển mình thành những nhộng sâu to tròn, cũng là lúc người dân nơi đây đi tìm bắt để chế biến thành những món đặc sản rất riêng của người Tây Nguyên. Nhộng sâu muồng có vị ngọt bùi, béo ngậy. Người dân Tây Nguyên thưởng thức món nhộng sâu độc đáo này bằng ba cách chế biến là xào, luộc và ăn sống.
Nhộng sâu muồng trở thành món ăn độc đáo vào đầu mùa mưa Tây Nguyên. Ảnh: Vunglep |
Với những thực khách thích thưởng thức trọn vị món nhộng sâu này, khi ăn sống sẽ cảm nhận được vị ngọt, béo bùi đặc trưng. Nhộng bắt về làm sạch và thưởng thức từng miếng một với chén rượu cần trong những ngày mưa se lạnh Tây Nguyên thì không gì bằng. Nhưng ăn nhiều sẽ gây cảm giác mau ngán nên chế biến chín là điều thực khách lần đầu thưởng thức nên làm.
Để cảm nhận vị béo núc, ngọt nước, thực khách luộc chín trong những nồi nước sôi. Thưởng thức ngay khi còn bốc khói nghi ngút ta mới cảm nhận được vị đậm đà, béo ngậy của vị món nhộng sâu muồng hiếm có. Muốn thưởng thức hương vị quen thuộc hàng ngày, thực khách có thể xào qua với một ít dầu mỡ và ăn kèm với vài loại rau rừng đặc trưng của nắng gió Tây Nguyên.
Những nhộng sâu muồng còn lại qua thời gian trở mình thành những con bướm sặc sỡ vươn đôi cánh mềm mại bay lượn rợp trời. Đến Tây Nguyên không chỉ có rượu cần, lễ hội cồng chiêng say đắm hay thác nước hùng vĩ, mà ngắm nhìn những đàn bướm lung linh giữa rừng cà phê xanh thắm vào chiều mưa lất phất cũng là trải nghiệm mới lạ đầy thú vị trong tháng 6 mùa sâu muồng đầy lá này.
Đừng quên những lễ hội đặc sắc khi đến Tây Nguyên. Ảnh: Dailyjetstar |
Văn Trãi
Theo DuLich.vnexpress.net