Lễ hội thường được tổ chức vào mùa xuân, khi đất trời giao hòa, thiên nhiên tươi tốt, lòng người hân hoan. Mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, nhưng bao giờ cũng hướng tới một chủ thể linh thiêng cần được suy tôn như những vị anh hùng chống ngoại xâm, người có công dạy dỗ truyền nghề, chống thiên tai, diệt trừ ác thú, giàu lòng cứu nhân độ thế… Dưới đây là một số lễ hội mang nhiều tinh thần thượng võ ở miền Bắc.
1. Hội vật cầu Thuý Lĩnh
Địa Điểm: Làng Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội.
Thời gian: Chiều mùng 4, 5, 6 tháng Giêng âm lịch
Lễ hội vật cầu đầu xuân của các thanh niên làng Thúy Lĩnh tổ chức tại một sân rộng ngay bên đình làng, nơi thờ Linh Lang Đại Vương – con trai thứ tư của vua Lý Thánh Tông. |
Hội vật cầu được tổ chức nhằm tưởng nhớ hình thức luyện quân của Linh Lang Đại vương. Vật cầu là môn thể thao rèn luyện cả chí và lực, đồng thời mang tính hiệp đồng mưu lược. Trước kia, vật cầu chia theo các giáp (xóm) trong làng, đi kèm là múa võ, kiếm và múa Lân. Môn này có đầy đủ lứa tuổi khác nhau, từ thiếu nhi đến các cụ cao tuổi trong làng tham gia, gồm bốn đội canh bốn hố.
Cầu được làm bằng gỗ mít tiện tròn. Sau khi có hiệu lệnh của trọng tài, bốn đội cùng cướp mang về hố của mình. Mỗi lần mang được cầu về hố sẽ nhận một giải con. Ba lần liên tiếp sẽ được giải cái (cầu không được ra đường biên hay bị đội bạn mang về hố khác). Theo tục lệ, đội chiến thắng trong trận cầu không chỉ được tôn vinh mà còn được người làng chúc phúc cho cả năm may mắn và hạnh phúc.
2. Hội vật cầu bùn làng Vân
Địa Điểm: Thôn Yên Viên, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang
Thời gian: Hai năm một lần vào các ngày 12,13 và 14 tháng 4 âm lịch
Lễ hội đánh cầu bùn được dân làng Vân khôi phục lại vào năm 2002 sau nhiều năm gián đoạn. |
Theo truyền thuyết, hội vật cầu bùn có từ thời Lý Bôn, Lý Bí đánh đuổi quân Lương (thế kỷ 4-5), gắn với sự tích bốn anh em Trương Hống, Trương Hách, Trương Lừng, Trương Lẫy khi đi qua làng đã chiến thắng lũ quỷ trong trận vật cầu ở đầm lầy.
Hội vật được tổ chức trên sân bùn nhão khoảng 200m2 trước đình làng. Hai đầu sân có hai hố để đẩy cầu xuống. Mỗi lần đẩy được cầu xuống hố là kết thúc một hiệp. 16 thanh niên khỏe mạnh tham gia hội vật gọi là “quân cầu”, được chia làm bốn giáp (mỗi giáp bốn người). Bốn giáp lại được chia làm hai đội (mỗi bên tám người) gọi là giáp trên và giáp dưới.
Tiêu chuẩn để làm quân cầu là những trai làng chưa vợ, khoẻ mạnh, nhà không có tang và bệnh tật. Làng cử ra một ban huấn luyện để dạy các quân cầu cách đi đứng, để tay, ngồi, chơi cầu. Hội vật cầu bùn làng Vân là hoạt động văn hóa truyền thống hết sức độc đáo, ý nghĩa, biểu hiện tinh thần đoàn kết, thượng võ của nhân dân trong xóm, ngoài làng.
3. Hội vật Mai Động
Địa Điểm: Đình làng Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Thời gian: Mùng 4, 5 và 6 tháng Giêng âm lịch
Các đô vật về chủ yếu từ Bắc Ninh, Từ Liêm, Thanh Trì và ở các quận nội đô. |
Lễ hội được tổ chức nhằm ôn lại chiến công và tưởng nhớ Tướng Tam Trinh – một vị tướng của Hai Bà Trưng. Trước và sau cuộc rước, tế cáo yết Thành Hoàng là các cuộc đấu được diễn ra trên Đống vật.
Từ chiều mùng 4 Tết tại sân đình, ban tổ chức sẽ mở giải đấu vật dân tộc truyền thống và theo lệ, ngay sau đó các cháu thiếu nhi đấu giải lèo, tiếp đến các đô vật từ nhiều nơi đến thi đấu chọn các giải ba. Chiều mùng 5 sẽ đấu vật chọn các giải nhì và mùng 6 Tết là tranh giải nhất.
Vật dân tộc truyền thống Mai Động không chỉ là một trò chơi, môn thể thao, mà còn là môn võ dân tộc chứa đựng những nét đẹp trong lễ hội dân gian của Việt Nam. Lễ hội đã góp phần phát huy tinh thần thượng võ cũng như lòng đoàn kết dân tộc.
4. Hội Đồng Kỵ
Địa Điểm: Đình làng Đồng Kỵ, phường Đồng Kỵ, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Thời gian: Mùng 4 tháng Giêng âm lịch.
Hội làng Đồng Kỵ gồm rất nhiều nội dung thú vị như đấu vật, chọi gà, đánh cờ, kéo co… |
Phần sôi động nhất của lễ hội làng Đồng Kỵ mà ít nơi có được là lễ rước ông Đám (còn gọi là lễ xuất tướng). Các ông đám sẽ được công trên vai bởi những chàng trai đang độ sung sức làm động tác múa như muốn cổ động tinh thần quân lính và chào tạm biệt nhân dân đi đánh giặc.
5. Hội Phết Hiền Quan
Địa Điểm: Xã Hiền Quan (tên cổ là Song Quan) huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ
Thời gian: 13 tháng Giêng âm lịch
Hội phết Hiền Quan là lễ hội dân gian được tổ chức vào mùa xuân để tưởng nhớ, tôn vinh công lao của nữ tướng Thiều Hoa công chúa. |
Hội Phết được tổ chức với quy mô ngày càng lớn trong những năm trở lại đây. Tục truyền thời Hùng Vương, khi vua đi qua vùng đất này thấy dân cày cấy, cuộc sống yên vui, ngài đã ban cho những quả phết, bảo treo lên cây cao, giữa có một vòng tròn.
Ném quả phết qua đó, ai nhặt được thì sẽ gặp may mắn cả năm. Cứ như vậy, lễ hội được truyền đến ngày nay. Tuy có nhiều thay đổi song Hội Phết Hiền Quan luôn được coi là lễ hội lớn nhất trong năm của nhân dân trong vùng, thu hút rất nhiều người tham gia.
6. Hội vật Ninh Hiệp
Địa Điểm: Xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội
Thời gian: Mùng 4-6 tháng 2 âm lịch
Một đòn đánh ngoạn mục trong hội vật Ninh Hiệp. |
Đến hẹn lại lên, cứ vào tháng 2 âm lịch, sới vật cổ truyền Ninh Hiệp lại tưng bừng tổ chức giao đấu trong khuôn khổ lễ hội chùa Nành (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Giải vật dân tộc Ninh Hiệp còn lưu truyền từ trong truyền thuyết ngày xưa và đến tận hôm nay, nó vẫn được nhiều thế hệ nhân dân giữ gìn, tiếp nối.
Hiện Câu lạc bộ Vật Ninh Hiệp là một trong 18 thành viên của Câu lạc bộ Vật Kinh Bắc. Điều đặc biệt là sới vật Ninh Hiệp luôn treo giải thưởng lớn của câu lạc bộ và dân làng.
Ảnh về các lễ hội
Lê Bích
Theo DuLich.vnexpress.net