Lễ hội hóa trang ở thành phố Venice xinh đẹp của Italy hay lễ hội ánh sáng ở Ấn Độ được tổ chức rất hoành tráng và mang đậm màu sắc văn hóa….
Lễ hội hóa trang ở thành phố Venice xinh đẹp của Italy hay lễ hội ánh sáng ở Ấn Độ được tổ chức rất hoành tráng và mang đậm màu sắc văn hóa của nơi diễn ra lễ hội.
Lễ hội Nebuta (Nhật Bản)
Lễ hội Nebuta tổ chức từ ngày 2/8 đến 7/8. Lễ hội diễn ra 6 đêm liền và được coi là một trong những lễ hội ấn tượng nhất Nhật Bản. Bằng chứng là mỗi năm có khoảng 3.000.000 người tới tham gia và xem lễ hội.
Lễ hội thể hiện sự tràn đầy sức sống và mang lại niềm vui cho những người tham dự. Những âm thanh vang rộn của nhạc, sáo tre, những đèn lồng lớn tượng trưng cho những linh hồn ma quỷ được diễu hành trên đường phố, pháo hoa lung linh đầy màu sắc trên không trung.
Theo người Nhật, lễ hội Nebuta đã có từ hơn 300 năm nay, được tổ chức thường niên để xua đuổi ma quỷ.
Lễ hội đua ngựa Palio (Italy)
Lễ hội đua ngựa Palio tại thành phố Siena là một trong những lễ hội được mong chờ nhất tại Italy. Lễ hội này được tổ chức hàng năm vào ngày 2/7 và ngày 16/8 tại quảng trường Piazza de Campo, trung tâm của Siena. Ngày hội này sẽ đưa bạn trở lại với thời trung cổ ở châu Âu với những kỵ sĩ ăn mặc trang phục mang sắc màu và biểu tượng riêng cho từng quận tham gia.
Lễ hội đua ngựa Palio ở Ý hiện rõ bối cảnh đua ngựa thời Trung Cổ thu hút nhiều du khách gần xa trong và ngoài nước
Đây không chỉ là lễ hội riêng của người dân thành phố Siena mà còn là lễ hội thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Ai đến đây cũng rất hồi hộp mong chờ được chứng kiến không khí thời trung cổ, chứng kiến một trong những lễ hội hoành tráng nhất thế giới.
Lễ hội Naadam (Mông Cổ)
Lễ hội Naadam được tổ chức hàng năm từ ngày 11 đến ngày 13/7 tại thủ đô Ulan Bato và trên khắp cả nước Mông Cổ. Lễ hội này xoay quanh 3 môn thể thao là bắn cung, cưỡi ngựa và đấu vật.
Cờ tung bay khắp khu lễ hội trong không khí rộn ràng. Các ứng cử viên sẽ tham gia thi bắn cung, cưỡi ngựa và đấu vật. Ý nghĩa của lễ hội Naadam thay đổi theo thời gian. Trước đây, người dân tổ chức lễ hội này để tưởng nhớ tới Thành Cát Tư Hãn, sau đó là kỷ niệm cuộc chiến giành độc lập của Mông Cổ. Còn giờ đây, lễ hội mang ý nghĩa là mừng Quốc khánh ngày 12/7.
Lễ hội Diwali (Ấn Độ)
Lễ hội Diwali còn được gọi với cái tên “Lễ hội ánh sáng” diễn ra trong năm ngày liên tiếp. Lễ hội của người Hindu này cũng giống như lễ đón năm mới của Phật giáo hay Giáng sinh của Thiên chúa giáo vậy. Những người theo đạo Hindu sẽ sắm đồ mới, trang hoàng nhà cửa thật đẹp đến đón lễ hội ánh sáng Diwali.
Ý nghĩa của lễ hội này là để những người theo đạo Hindu cầu những điều tốt đẹp, chiến thắng những điều xấu, đó là lễ hội thể hiện sự chiến thắng của ánh sáng trước bóng đêm. Đây cũng là lễ hội lớn nhất của người theo đạo Hindu ở Ấn Độ.
Lễ hội Thaipusam (Malaysia)
Lễ hội Thaipusam tại Malaysia là một trong những lễ hội rùng rợn nhất thế giới. Tại đây, những người theo đạo Hindu đã chịu đựng sự đau đớn xuyên mình bằng những cây giáo nhỏ. Lễ hội có ý nghĩa tưởng nhớ đến ngày nữ thần Hindu Pavarthi trao cho con trai là thanahf Muruga cây giáo nhỏ để diệt trừ ác quỷ. Lễ hội bắt đầu vào ngày 7/2 và diễn ra trong 3 ngày.
Lễ hội hóa trang Venice (Italy)
Thành phố Venice xinh đẹp của Italy là nơi thường niên diễn ra lễ hội hóa trang vào bậc hoành tráng nhất thế giới. Những người tham gia sẽ đeo mặt nạ đầy màu sắc và hóa trang trong những trang phục lộng lẫy tại quảng trường St Mark của thành phố Venice. Những đoàn người diễu hành qua quảng trường, các nghệ sĩ quốc tế biểu diễn ca nhạc hay các vở kịch để những người tới tham dự tới thưởng thức.
Lễ hội hóa trang ở Venice là lễ hội mang mặt nạ lễ hội hoành tráng bậc nhất thế giới
Lễ hội này hàng năm thu hút hàng ngàn khách du lịch tới xem.
Lễ hội La Diablada (Bolivia)
Lễ hội La Diablada còn được gọi với cái tên khác là lễ hội ma quỷ. Lễ hội này được tổ chức tại thị trấn khai thác hầm mỏ Oruru, cách thủ đô Lapas khoảng gần 200 km về phía đông nam. Ý nghĩa của lễ hội là tưởng nhớ tới vị thần hầm mỏ Tio, người được coi là chúa tể cai trị đất và hầm mỏ. Người dân ở Ururu cầu nguyện thần Tio để họ được an toàn khi làm việc.
Những đoàn vũ nhạc đến tham gia lễ hội đều có trang phục rất khách nhau. Nhóm thì mặc trang phục phù thủy, nhóm thì mặc trang phục người da đỏ…. Tất cả đã tạo ra không khí nhộn nhịp của lễ hội.
Lễ hội bánh ngọt ở Olney (Anh)
Lễ hội này bắt nguồn từ năm 1445 và vẫn còn lưu giữ cho tới ngày nay. Trong lễ hội có rất nhiều trò chơi vui nhộn, hài hước, vui vẻ cho những người tham gia.
Nguồn gốc của lễ hội được truyền miệng nhau rằng, ngày xưa có một phụ nữ đang làm bánh ngọt thì nghe tiếng chuông reo nhà thờ. Để không bị muộn, chị vừa bê bánh vừa chạy vào nhà thờ. Kể từ đó, người dân vùng này có lễ hội bánh ngọt. Tuy nhiên, cuộc thi chạy này chỉ dành cho những chị em phụ nữ. Các chị sẽ chạy theo con đường biết trước vào nhà thờ và phải tung chiếc bánh ngọt nóng trong tay ít nhất 3 lần. Ai chạy tới đích trước sẽ là người chiến thắng.
Ảnh và Nguồn: TinMoi