Nếu có dịp đến với Phú Thọ, Thanh Hóa hay Tây Ninh mùa mưa lạnh, bạn nên tìm đến những món ngon đặc trưng vùng miền, để sau này có đi xa vẫn phảng phất hương vị trong tâm trí.
Thịt chua Phú Thọ
Là món ăn có nguồn gốc từ vùng đất Thanh Sơn nhiều đồi núi của tỉnh Phú Thọ, thịt chua từ lâu đã trở thành thức quà đặc sản nơi đây. Món ăn có cách làm khá đơn giản nhưng để có một lọ thịt chua hấp dẫn và đạt yêu cầu lại là cả một sự kỳ công, đặc biệt ở khâu chọn nguyên liệu và kỹ thuật chế biến.
Thịt lợn ba chỉ mua về được làm sạch, nướng sơ, rồi thái mỏng, trộn với gia vị, muối, rắc thính lên trên rồi trộn thật đều sao cho thính bám kín bề mặt miếng thịt. Dụng cụ dùng để muối thịt ngon nhất là ống nứa, ống tre hoặc lọ sành. Người ta lót lá ổi xuống dưới đáy lọ rồi lèn thật chặt thịt đã tẩm ướp vào trong và phủ vài lớp lá ổi lên trên cùng, cố định bằng một vài nẹp tre gài chéo. Vào mùa hè, chỉ cần 3 đến 4 ngày là thịt lên men và có thể sử dụng được, còn trong tiết trời se lạnh của mùa đông, thời gian ủ thịt kéo dài từ 5 tới 7 ngày.
Thịt chua thường được ăn kèm với các loại lá như sung, ổi, đinh lăng, mơ tam thể… Người dùng gói thịt vào các loại lá và chấm mắm tỏi ớt đậm vị. Ảnh: Việt Hà. |
Lươn bung chuối xanh Thanh Hóa
Nếu muốn thưởng thức lươn om ngon đúng điệu, bạn hãy về Hà Trung, Đông Sơn, Thiệu Hóa của tỉnh Thanh vào những tháng mưa bởi thời điểm này lươn ở ruộng mương thường to, béo và số lượng nhiều. Có nhiều món ngon như lươn xào, cháo lươn, miến lươn… nhưng hợp với mùa lạnh hơn cả là món lươn bung chuối xanh.
Lươn được chọn phải là loại to vàng, độ lớn vừa phải và có hai màu rõ rệt: bụng vàng, lưng đen. Sau khi tuốt hết nhớt bằng tro bếp, lươn được sơ chế và cắt khúc dài 3 – 5 cm, cuộn bên trong nhân thịt bằm mộc nhĩ. Chuối xanh tước sơ qua vỏ ngoài, ngâm muối cho hết mủ rồi xắt lát, bóp mẻ cùng với lươn, nêm gia vị, vỏ quýt, mắm tôm, hành, ớt, ướp khoảng 20 phút rồi bắc lên bếp đun.
Lươn bung nóng hổi ăn vào ngày mưa rét rất đưa cơm. Ảnh: Lê Thương. |
Lươn bung chuối xanh muốn ngon phải ninh thật lâu, nhỏ lửa để hương vị được quyện hòa vào nhau. Khi chuối mềm nhừ, nước sánh sền sệt là có thể bắc ra, rắc rau ngổ lên trên và dùng nóng. Vị béo của lươn vàng hòa với vị ngọt bùi của chuối, thêm vị chua của mẻ, nhấn nhá chút cay của vỏ quýt và ớt, dậy mùi của mắm tôm… tạo thành món ăn đặc sản khó quên của miền quê thanh bình.
Bánh canh Trảng Bàng Tây Ninh
Món ăn đặc sản của người dân Tây Ninh đã dần trở nên quen thuộc với thực khách. Tô bánh canh nhìn qua khá đơn giản gồm thịt nạc và móng giò, cho thêm chút hành tiêu lên trên, tuy nhiên chỉ cần húp muỗng nước lèo cũng đủ khiến bạn “đứng hình” vài giây vì hương vị thơm ngon. Để có được sợi bánh canh dài ngắn, trắng ngần, người ta thường chọn gạo nàng thơm.
Tô bánh canh Trảng Bàng là lựa chọn hợp lý cho một ngày se lạnh. Ảnh: Huấn Phan. |
Nhờ sự tinh tế và khéo léo trong khâu chế biến, bạn khó lòng quên được vị béo ngọt của thịt, vị thơm, dai của bánh kèm với vị chua chua của nước mắm pha riêng. Bánh canh Trảng Bàng phải ăn khi vừa mới đem ra, khói bay nghi ngút, và thêm rau vào ăn mới đúng chất.
Lê Thương – Thảo Nghi
Theo DuLich.vnexpress.net