Theo quan niệm tín ngưỡng của người Chăm, khi chết linh hồn sẽ làm hại hay phù hộ cho người đang sống trong dòng tộc, tùy thuộc vào người chết tốt hay chết xấu. Khi người chết được ba ngày ba đêm thì linh hồn sẽ về thăm gia đình, người thân để xin những gì còn thiếu trước khi chết mà người nhà quên đem theo hoặc chưa đủ và dặn dò con cháu thực hiện những nghi lễ hỏa táng sau này.
Trong hệ thống gia đình của người Chăm những người già ở tuổi “thất thập cổ lai hy” luôn được chăm sóc một cách cẩn thận nhằm tránh trường hợp chết xấu, tức là chết mà không có người thân bên cạnh nâng đỡ. Nếu lỡ xảy ra trường hợp này, gia đình và tộc họ sẽ phải làm lễ “Mbai Jalan”, nghĩa là dâng hiến lễ vật và xin đường để tiễn linh hồn người chết.
Vị chủ lễ Po Acar thực hiện nghi thức cắt cổ dê. |
Lễ “Mbai Jalan” là nghi lễ dành cho người chết xấu nhưng người chết phải được 60 tuổi trở lên mới được thực hiện nghi lễ này, nhằm cầu xin Po Auluah dẫn đường chỉ lối. Ngoài ra, người chết lúc sống có những lời nói xúc phạm những người khác hay đấng thần linh thì qua nghi lễ này sẽ được gột bỏ tất cả. Nhờ vậy, người chết xấu qua bên kia thế giới một cách dễ dàng, tộc họ sẽ không gặp phải những tai ương, trắc trở và được người chết phù hộ, độ trì.
Nghi lễ được thực hiện khi người chết đã qua được ba ngày ba đêm. Lễ vật cho nghi lễ này là một con dê luộc, nước xáo thịt dê, canh môn, khay trầu, chén lửa và gạo. Nghi lễ được thực hiện trong khoảng một buổi, có thể chiều hoặc sáng phụ thuộc vào vị chủ lễ Po Acar.
Dê được luộc chín, xé nhỏ và phải để đầy đủ tất cả bộ phận. |
Con dê được vị chức sắc Po Acar cắt tiết ngay tại một khoảng sân rộng trước nhà, với lời cầu khẩn đến Po Aulauh xin được nắm tay chỉ đường, dọn lối cho người chết được về bên kia thế giới trọn vẹn và xóa bỏ những tội lỗi ở trần gian lúc đang sống. Ở sau Po Acar, một cái chiếu được trải theo hướng đông – tây dành để những phụ nữ lớn tuổi trong gia đình cầu khấn cho người chết được ra đi bình an và luôn hướng mắt trông coi phù hộ cho con cháu ở trần thế.
Khi dê được hiến tế xong, đàn ông trong gia đình sẽ chuẩn bị làm thịt dê, phụ nữ sẽ nấu những món ăn phục vụ cho nghi lễ. Sau khi mọi việc xong xuôi, lễ vật sẽ được bưng lên mâm cao cho hai vị chức sắc chủ lễ Po Acar thực hiện nghi thức dâng lễ vật đến Po Aulauh. Những người thân trong gia đình sẽ ngồi quây quần chắp tay qua đầu để cầu khấn những điều tốt đẹp nhất cho người đã chết, cũng như cầu cho người chết phù hộ độ trì cho con cháu trong gia đình được tai qua nạn khỏi những vướng mắc trong cuộc sống thường ngày.
Hai vị chủ lễ Po Acar thực hiện nghi thức dâng lễ. |
Sau buổi lễ, mọi người sẽ cùng quay quần tụ họp ăn bữa cơm và dành cho nhau những lời tốt đẹp trong cuộc sống, thể hiện một nét đẹp cao quý trong lối sống thường ngày của người Chăm.
Những nghi lễ của người Chăm luôn chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện lối sống cộng đồng, tình cảm láng giềng và công ơn dưỡng dục của đấng sinh thành. Do đó, dù phải tốn kém hay khó khăn thì họ vẫn thực hiện đầy đủ để thể hiện trọn vẹn đạo hiếu của một con người nơi trần thế.
Bài và ảnh: Putra Jatrai
Theo DuLich.vnexpress.net