Lễ tẩy trần của người Chăm dành cho cả hai cộng đồng Chăm Ahier và Chăm Awal, chỉ khác biệt về cách hành lễ cũng như vật lễ do tính đặc thù của mỗi bên. Người Chăm quan niệm sau khi tai nạn, bệnh tật hay gặp phải điều chẳng lành là do ma quỷ ám và hồn vía chưa hoàn về với thể xác của khổ chủ nên họ làm lễ để xua đuổi ma quỷ cũng như cầu xin cho hồn vía trở về. Đối với người con trai trước khi đi lấy vợ, gia đình nhà trai thường làm lễ tẩy trần trong đêm trước khi đưa chú rể qua nhà cô dâu.
Khi gia đình có người cần làm lễ tẩy trần, chủ nhà sẽ đến xin phép thầy pháp (gru kaleng) để xin ngày làm lễ. Lễ tẩy trần do thầy pháp thực hiện, lễ vật đơn giản gồm một nải chuối chín, ba cái trứng luộc, bột gạo, rượu, cau trầu, gạo nổ, ba cây nến bằng sáp tổ ong và một nhúm gạo. Tất cả lễ vật được bày trên mâm cao có chân mà người Chăm gọi là “salao takai”, còn bột gạo sẽ được thầy pháp nặn thành hình nhân thế mạng gọi là “Salih”. Hình nhân thế mạng này sẽ nghe lời dặn của thầy pháp để mang đi những bệnh tật, xấu xa, tội lỗi và đem lại sức khỏe, bình an và tránh khỏi những trắc trở trong cuộc sống.
Không gian huyền ảo của lễ tẩy trần. |
Lễ tẩy trần được thực hiện vào ban đêm, người Chăm Ahier thường tiến hành vào các ngày thứ ba, thứ bảy hay chủ nhật trong tất cả các tháng trong năm. Tuy nhiên lễ tẩy trần để cầu xin sức khỏe, phước lành thì được tổ chức vào những ngày thượng tuần trăng, còn lễ tẩy trần dành cho người sau tai nạn, gặp những điều không hay thì phải tiến hành vào những ngày hạ tuần trăng.
Bắt đầu buổi lễ, thầy pháp sẽ chuẩn bị vật lễ. Với người Chăm, bất cứ lễ tục nào đều phải thực hiện trên chiếu cổ. Khi thầy pháp đã chuẩn bị xong lễ vật, cây nến sáp ong được thắp lên, khói của trầm hương nghi ngút khiến không gian của buổi lễ càng thêm huyền bí. Thầy pháp sẽ bắt đấu khấn vái mời các vị thần linh, ông bà tổ tiên về chứng giám để thầy pháp tiến hành buổi lễ. Sau đó, thầy pháp sẽ tiến hành đọc những câu thần chú lấy đi những xấu xa, lo lắng,…của người làm lễ vào nắm bột gạo nặn hình tròn và đưa cho người làm lễ bẻ đôi cục bột gạo đó. Bột gạo này sẽ được thầy pháp tự tay nặn hình nhân thế mạng “Salih”.
Salih được thầy pháp nhào nặn một cách tỉ mỉ. |
Sau khi làm lễ khấn vái, thổi hồn vào hình nhân thế mạng Salih, người làm lễ được thầy pháp dẫn ra trước sân nhà để tiến hành phần lễ chính, là tẩy rửa bụi trần. Trước sân, gia chủ sẽ nhóm lửa để báo hiệu gia đình đang làm lễ cũng như xua đuổi ma quỷ đi ra khỏi nhà. Người làm lễ ngồi trước sân nhà, xung quanh được đặt bốn thanh sắt. Người Chăm quan niệm sắt là vật có thể làm cho ma quỷ sợ mà bỏ đi. Những người ngủ hay gặp ác mộng thường được người già đặt thanh sắt dưới gối để xua đuổi ma quỷ. Trước mặt người làm lễ là hình bùa chú được vẽ dưới đất. Đến đây, thầy pháp bắt đầu ngâm vang câu bùa chú và múc từng gáo nước cho người làm lễ rửa mặt, súc miệng. Tiếp tục thầy pháp đổ từng gáo nước lên đầu người làm lễ, xem như tẩy rửa đi những cái nhớp nhơ, xấu xa, tội lỗi.
Sau khi làm lễ rửa tội xong, hình nhân được thầy pháp đọc vài lời dặn và đưa tiễn đến ngã ba đường. Những ước nguyện cũng như tội lỗi sẽ được hình nhân mang đi cầu xin Thần-Yang ban phước lành hay xóa bỏ những tội lỗi. Sau khi kết thúc, thầy pháp sẽ được gia chủ mời bữa cơm thân mật cùng lời cảm ơn chân thành.
Người làm lễ được thầy pháp gội rửa đi những tội lội, xấu xa, bệnh tật. |
Không gian ban đêm với lung linh ánh đèn của nến, giọng ngâm thần chú của thầy pháp như ngân vang giữa bầu trời tĩnh mịch, tâm hồn người làm lễ như được nhẹ nhõm, thanh thản hơn, mọi ưu phiền của thế thái như được cuốn trôi đi bởi dòng nước thánh tẩy. Lễ tẩy trần chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được người Chăm gìn giữ và lưu truyền từ bao đời nay.
Bài và ảnh: Paka Jatrang
Theo DuLich.vnexpress.net