Lễ hội Xên Bản diễn ra tại bản Co Mỵ, đội 12, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) được tổ chức theo hai phần: lễ và hội, kéo dài từ 30/4 đến hết ngày 1/5 . Trong phần lễ cúng xên, bà con chuẩn bị lễ vật, cúng người lập nên bản làng để tưởng nhớ đến các vị thần linh đã khai sáng ra Mường – cách gọi tên vùng đất nơi người Thái đang sinh sống – cầu mong cho mọi người được ấm no, hạnh phúc, mùa màng thuận lợi…
Những người dân trong bản từ già trẻ, trai gái đều quần tụ để tham dự lễ hội truyền thống văn hóa của cộng đồng dân tộc Thái.
Lễ hội đã trở thành phong tục, tập quán được lưu giữ qua nhiều thế hệ.
Ngay từ sáng sớm hôm đầu tiên, những gia đình được chọn sẽ chuẩn bị mâm cỗ để phục vụ trong lúc thầy cúng làm lễ Xên bản.
Địa điểm truyền thống tiến hành các nghi lễ thường là nơi có gốc đa to nhất, xung quanh là chỗ “yên nghỉ” của những người đã khuất, gần bờ suối, bìa rừng.
Lễ vật do người dân toàn bản đóng góp, thường gồm 6 mâm đồ tế lễ gồm cả đồ sống và chín như: gà, lợn, vịt, ngan, chó, đệm quần áo, vòng bạc, đồng bạc trắng…hay những đồ dùng thông dụng nhất trong đời sống hàng ngày.
Lễ hội Xên Bản được phục dựng vào ngày 2/3/2011, không chỉ mang tính tâm linh mà đây còn là một nét văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái.
Ông mo Lò Văn Hặc khấn 7 lần, mời các vị thần, tổ tiên về dự lễ và phù hộ cho dân Mường được ấm no, sung túc, cuộc sống an vui.
Trong những ngày lễ hội, người dân nơi đây có phong tục kiêng không được giã gạo, làm nhà, xẻ gỗ, vào rừng lấy củi, săn bắt, hái lượm…
Sau phần lễ, bà con tham gia vui hội với nhiều trò chơi dân gian như: ném còn, tó má lẹ, kéo co, đẩy gậy; múa các điệu dân gian; chơi cờ tó mạ háp, tó phại…
Hoàng Thành
Theo DuLich.vnexpress.net