Được tổ chức vào ngày lễ Dolta (lễ cúng ông bà), đây là ngày lễ mà toàn thể đồng bào Khmer biểu lộ lòng tưởng nhớ, biết ơn đối với ông bà tổ tiên và những người đã khuất. Lễ hội đua bò cũng bắt nguồn từ lễ hội Dolta này.
Vào ngày lễ Dolta, đồng bào Khmer thường mang thức ăn lên chùa dâng lên các nhà sư để cầu nguyện cho linh hồn những người đã khuất được siêu thoát. Trong các ngày lễ này, thanh niên trai tráng trong phum sóc (làng) mang những đôi bò đến cày ruộng giúp nhà chùa, khi cày vừa xong, các chủ bò chọn những đôi bò bắt cặp với nhau để tranh tài kéo bừa trên những thửa ruộng xâm xấp nước vừa cày xong. Dần dần tục lệ đã trở thành một môn thể thao truyền thống thu hút đông đảo du khách đến tham quan xem các cặp bò tranh tài.
Những tiếng cỗ vũ cùng những màn rượt đuổi ấn tượng làm cho lễ hội đầy tính sôi động hấp dẫn. Ảnh: Caravanviet. |
Đến An Giang vào những ngày cuối tháng 9, du khách sẽ bắt gặp sự nhộn nhịp, náo nức của người dân diễn ra khắp các phum sóc đồng bào Khmer. Những chàng trai “tài xế” (người điều khiển) tranh thủ lựa chọn cho mình cặp bò béo tốt và khỏe mạnh nhất, trong khi đó những cô gái trong sóc thì chuẩn bị sắm sửa lễ vật, dọn dẹp nhà cửa để cầu cúng cho lễ hội Dolta cùng diễn ra với lễ hội đua bò truyền thống.
Để chuẩn bị cho cuộc đua đầy hấp dẫn, một khoảnh ruộng bằng phẳng có nước xâm xấp được sử dụng để đua bò, chiều dài khoảng 200 m, bề rộng đường đua khoảng 100 m, đường đua chính dài khoảng 120 m, hai bên bờ được đắp bờ bao để đảm bảo an toàn cho người xem cũng như cho bò đua chạy đúng đường đua. Các đôi bò được bốc thăm để đấu loại trực tiếp với nhau cho đến khi chỉ còn bốn cặp bò để tranh giải nhất, nhì, ba, tư. Các vòng đấu phải trải qua ba vòng: vòng xã, huyện và tỉnh.
Tranh nhau quyết liệt về đích trong cuộc đua. Ảnh: Phunuonline. |
Vào sáng sớm của ngày hội đua bò người dân khắp nơi lũ lượt kéo đến, mọi người đứng thành hàng bao quanh các bờ bao mang theo chiên, trống cùng hò hét, cổ vũ cho cặp bò mà mình yêu thích. Khi hiệu lệnh xuất phát của trọng tài phát ra, người điều khiển cầm một khúc gỗ có gắn một cây đinh nhỏ chích mạnh vào mông bò, bò bị chích đau nên thừa sức phóng nhanh về phía trước trong sự cỗ vũ náo nhiệt của đông đảo người xem, càng làm cho lễ hội thêm hấp dẫn, sôi động và đầy tính hào hứng.
Từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc, cuộc đua không khí lễ hội luôn tràn ngập tiếng vỗ tay, reo hò, cổ động cho những cặp bò tranh nhau quyết liệt để về đích. Nước bắn tung tóe kèm những pha rượt đuổi gây cấn, cùng những tiếng hô hào làm cho các phum sóc sôi nổi, rộn ràng.
Năm nay lễ hội sẽ được diễn ra từ ngày 21 đến 24/9 (dương lịch) tại các ngôi chùa Khmer ở huyện Tịnh Biên, An Giang. Từ nhiều năm nay, lễ hội đua bò đã lôi cuốn đông đảo các đôi bò tham gia trong toàn tỉnh An Giang và nhiều đôi bò ở các địa phương Campuchia giáp ranh An Giang đến tham dự. Cùng với đó cũng thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến thưởng lãm giải đấu hấp dẫn có một không hai này.
Lễ hội thu hút rất đông người dân đến xem. Ảnh: Didau. |
Đến An Giang ngoài việc xem hội đua bò, du khách còn được thưởng ngoạn cảnh quan thiên đầy sắc màu đa dạng như rừng tràm Trà Sư, vùng sông nước Châu Đốc, viếng thăm Tây An Cổ Tự, miếu bà Chúa Xứ, lăng cụ Thoại Ngọc Hầu và thưởng thức các món ẩm thực địa phương đặc sắc như bún cá, chè thốt nốt, cơm nị cà púa…
Văn Trãi
Theo DuLich.vnexpress.net