Người miền Tây gọi các loại cá nhỏ sống trong kênh, rạch, ao là hủng hỉnh (hay hủn hỉn). Vào mùa nước nổi, cá này nhiều vô kể như cá lòng tong, lòng ròng, thia lia, cá sặc… Chúng thường xuất hiện trong những bữa ăn của người dân lao động. có thịt ngọt, thơm, xương mềm.
Vào mùa, người dân thường đánh bắt làm mắm cá, còn lại để ăn kèm với lẩu, rất ngọt nước. Cá sau khi đánh bắt từ kênh rạch được rửa sạch, cắt bỏ đầu rồi để ráo, ướp thêm chút gia vị.
Nước làm lẩu được chế từ các loại mắm hủng hỉnh, nấu cùng nước dừa hay nước hầm xương lợn. Mắm cá sau khi lọc bỏ xương, nêm nếm theo bí quyết riêng để chế ra nồi nước dùng lẩu. Nồi lẩu ngon phụ thuộc rất nhiều vào công đoạn này. Nếu thiếu vị mắm, nồi lẩu cũng mất ngon hoặc mặn quá cũng làm mất đi hương vị.
Các loại cá nhỏ sống ở kênh rạch được làm sạch và nấu thành một nồi lẩu mắm, gọi là lẩu mắm hủng hỉnh, ăn kèm rau đặc trưng của sông nước miền Tây. Ảnh: Anh Phương |
Lẩu mắm thường ăn kèm với các loại rau đồng mọc hoang làm hương vị và sắc màu của món lẩu mắm cá thêm dân dã. Có nhiều loại rau như bông súng, cù nèo, rau đắng, rau nhút, bắp chuối, hẹ… Rau được rửa sạch, khi ăn chỉ cần nhúng qua nước lẩu hơi tái, sẽ cảm nhận vị giòn giòn, thấm đượm mùi mắm mà không mất đi vị tươi mát.
Nồi lẩu sẽ mang đến bạn vị mặn của nước mắm, vị ngọt của đường, cay nồng của ớt, hạt tiêu và vị ngọt của cá. Ngày nay nhiều nhà hàng có món lẩu mắm và được coi là đặc sản của miền Tây, giá khoảng 250.000 đồng một nồi.
Xem thêm: 3 món lẩu nức tiếng miền Tây
Anh Phương
Theo DuLich.vnexpress.net