Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông cách thành phố Thanh Hoá khoảng 130 km về phía Tây Bắc, thuộc địa phận hai huyện Quan Hoá và Bá Thước. Vẻ đẹp Pù Luông với nhiều nét hoang sơ, ẩn hiện trong sương tựa như vườn treo trên cao luôn chờ đón du khách đến thưởng ngoạn.
Thời gian
Thời điểm tuyệt nhất để đến thăm Pù Luông là khoảng tháng 6 và tháng 10, khi lúa rộ lên chín vàng trên các thửa ruộng bậc thang bên sườn đồi, điểm tô cho thảm xanh Pù Luông nét vẻ trù phú, yên bình và thơ mộng. Ngoài ra, bạn có thể đến đây vào bất cứ mùa nào trong năm để thư giãn cùng không gian mát mẻ, quanh năm sương mù bao phủ ở một số bản vùng cao.
Di chuyển
Từ Hà Nội, bạn có thể đi xe máy tới bản Lác, Mai Châu rồi tiếp tục đi theo hướng Co Lương, rẽ đường 15C chạy dọc sông Mã để tới khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.
Một khúc tay cua trên đường phượt. Ảnh: Nguyễn Thành Hoan. |
Nếu xuất phát từ thành phố Thanh Hóa, ngược lên phía Tây Bắc, men theo đường mòn Hồ Chí Minh, rẽ phải ở thị trấn Cẩm Thủy, bạn sẽ gặp đường 15C tại thị trấn Cành Nàng, sau đó đi khoảng 10 km nữa là tới chân núi Pù.
Lưu trú
Trên hành trình phượt Pù Luông, du khách có thể nghỉ ngơi trong các ngôi nhà sàn rộng rãi, thoáng mát của người Thái, Mường ở Bản Lác, bản Com Poọng, Hòa Bình hoặc ngay tại vùng lõi Pù Luông ở các bản Đông Điểng, Kho Mường, bản Nủa, bản Kịt 1, Cao Hoong… Chi phí một đêm khoảng 40.000 – 50.000 đồng một khách.
Đặc sản nên thử
Dịch vụ ăn uống ở Pù Luông thường được đặt tại nhà sàn nơi cả đoàn đến lưu trú. Chủ nhà sẽ thiết khách những món ăn mang đậm phong vị của núi rừng như gà đồi, ốc khỉ, măng chua, măng đắng, cơm lam, nộm hoa chuối rừng, vịt suối nướng, lợn rừng quay…
Những món ăn mang màu sắc của núi rừng luôn làm hài lòng du khách. Ảnh: Dũng Mộc. |
– Canh đắng được nấu từ một loại lá đắng trên rừng cùng lòng và tiết gà. Khi ăn vị đắng ngắt tê tê nơi cổ họng khiến nhiều khách đường xa phải nhắm mắt, rùng mình. Tuy nhiên, đọng lại nơi đầu lưỡi là vị ngọt thanh rất mát và lạ miệng.
– Gà thả đồi, vịt cỏ thả suối nên thịt rất chắc và thơm, được chế biến thành nhiều món như luộc, quay, nướng, xào măng, hấp lá rừng… sau đó bày lên cỗ lá.
– Người Thái ở Pù Luông còn có món rượu cần cay nồng là đặc sản không thể thiếu trong mỗi bữa cơm đậm nghĩa tình. Rượu cần được làm từ men sắn và nước suối nên hương vị rất đậm đà và đặc biệt.
Điểm tham quan, khám phá
– Từ Đông Điểng chinh phục đỉnh Pù Luông cao trên 1.700m là trải nghiệm chỉ dành riêng cho những du khách ưa mạo hiểm. Từ trên đỉnh cao Pù Luông nhìn dưới bạn sẽ thu vào tầm mắt trọn vẹn phong cảnh ngoạn mục của thung lũng dưới chân núi.
– Đừng bỏ qua hành trình thượng sơn lên Son – Bá – Mười, chốn thâm sơn cùng cốc có những trẻ em và người già chỉ biết nơi đây là cả thế giới. Bạn phải trải qua các bản Nủa, Trình, Hin, Bố cùng những đoạn đường núi dốc dựng thẳng đứng rất vất vả mới đến được chốn bình yên đẹp như tranh vẽ này.
Ruộng bậc thang là một “đặc sản” trong hành trình khám phá. Ảnh: Dũng Mộc. |
– Với nhiều du khách nước ngoài, Kho Mường là điểm xuất phát lý tưởng cho những chuyến trekking xuyên Pù Luông. Đến với bản Kho Mường, ngoài cảnh quan, địa thế hùng vĩ, du khách được khám phá hang động với những nhũ đá huyền kỳ. Từ bản Kho Mường có thể đi theo tuyến 4 bản Mường là Bản Pốn – Thành Công – Cao Hoong – Bản Kịt để khám phá nét đặc trưng văn hóa, hoặc men theo đường mòn nối Kho Mường tới Bản Ươi – Phố Đoàn để đến bản Quắn, nơi có những nếp nhà bình yên, giản dị.
Ghi dấu chân ở dốc vào Kho Mường. Ảnh: Dũng Mộc. |
– Một địa danh không thể bỏ qua khi đến Pù Luông là thác nước bản Hiêu. Trên đường từ thị trấn Phố Đoàn vào bản, du khách có thể bắt gặp rất nhiều guồng nước đặc trưng của người Thái. Qua cầu treo, vượt qua con dốc trên đồi đất bạn sẽ phải ồ lên thích thú khi bắt gặp thác nước bản Hiêu đang reo vui tuôn chảy.
– Nếu đi vào thứ 5 hoặc chủ nhật, hãy đến chơi chợ phiên Phố Đòn, nơi trao đổi mua bán những sản vật vùng cao rất thú vị của đất và người với các mặt hàng tự cung tự cấp như thổ cẩm, rượu cần, rau rừng, côn trùng, hoa quả tươi…
– Ngoài ra, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống của người Thái, người Mường, hòa mình vào cuộc sống của bản cao, thưởng thức những điệu múa sạp, múa xòe, hát lượn và “say” cùng những điệu Khặp Thái uyển chuyển, mê hồn.
Vật dụng mang theo
Để có chuyến đi hoàn hảo, du khách nên chuẩn bị một số vật dụng chủ yếu như dây thừng, dây dù để buộc lốp khi gặp đường trơn trượt, trang phục dài tay màu tối, mũ mềm, giày đi rừng, vớ chống vắt, đèn pin, áo mưa, ống nhòm, lều trại, thuốc chống vắt, muỗi, thuốc trị côn trùng để khám phá rừng.
Lưu ý
– Nên kiểm tra theo dõi thời tiết trước chuyến đi vài ngày để tránh mưa rừng.
– Cần bơm xăng đầy trước khi vào Pù Luông.
– Nếu không liên hệ đặt nhà nghỉ trước được, bạn có thể đến nơi rồi mới hỏi thuê. Tuy nhiên, nếu chẳng may lỡ bước cũng có thể xin ngủ nhờ tại bất kỳ nhà dân nào mà không cảm thấy phiền, bởi đôi khi họ còn cảm thấy ngại vì sàn nhà không đủ lớn để chứa cả đoàn của bạn.
Lê Thương
Theo DuLich.vnexpress.net