Tết Nguyên tiêu là đêm rằm đầu tiên trong năm, hay còn gọi là tết Thượng Nguyên. Phố cổ Hội An xưa là nơi sinh sống của nhiều người Hoa vì vậy mỗi dịp tết đến, các tuyến phố được trang trí nhiều lồng đèn rực rỡ, các hoạt động vui chơi cũng đa dạng nhiều màu sắc. Ngay từ đêm 14 tháng Giêng âm lịch, những hoạt động chào đón ngày tết Nguyên Tiêu tại Hội An đã diễn ra sôi nổi với nhiều không gian vui chơi mang đậm nét phố cổ.
Khi các công trình chiếu sáng công cộng tại các tuyến phố đi bộ được ngắt là lúc Hội An lung linh sắc màu bởi những chiếc đèn lồng truyền thống. Dòng người từ các nơi đổ về tuyến phố đi bộ, song ai cũng thong thả, thích thú ngắm nhìn. Hình ảnh phố cổ được tái hiện qua các ô cửa, gánh hàng rong hay những bức tường ố màu thời gian hắt ánh sáng le lói của những chiếc đèn lồng. Tất cả tạo nên một Hội An thanh bình, yên ả trong lòng du khách.
Dòng người tấp nập đổ về phố cổ Hội An. |
Hội quán Đông Triều và các chùa chiền vào ngày này cũng mở cửa tự do phục vụ du khách thăm viếng, rút quẻ đầu năm. Bên dòng sông Hoài, nhiều du khách chọn cho mình những chiếc đèn hoa đăng cầu may. Các đôi bạn trẻ cũng nhân dịp ngày lễ tình nhân chọn Hội An làm nơi thả hoa đăng ước nguyện, khiến sông Hoài càng thêm thơ mộng.
Nhộn nhịp hơn cả là khu vực trò chơi dân gian đập niêu đất do các bạn thanh niên phố cổ tổ chức. Người chơi thích thú khi bị bịt mắt đi trong tiếng hò reo của khán giả, sao cho đến đúng vị trí và đập vỡ nồi đất thì giành chiến thắng. Tiếng chiêng trống nhằm át đi tiếng người chỉ dẫn cùng tiếng cười làm rộn ràng cả một góc phố, khiến ai đi qua cũng phải ghé vào.
Sân hát bài chòi đông nghịt khách ghé chơi. Bài chòi theo ý nghĩa xưa là chơi bài trong những chòi lá. Bài chòi thường được tổ chức vào những ngày lễ tết, khi người dân cùng nhau tụ hội đông đủ sau những ngày mùa vất vả. Những câu hát bài chòi được ngân nga lên với những ca từ về tình yêu quê hương, đất nước, con người, về những công việc ruộng đồng, con trâu cây lúa thân thuộc với đời sống nhân dân lao động. Chính vì vậy mà bài chòi được xem là một trong những trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa của người dân đất Quảng.
Một quân bài có ba chữ, người nào cầm trong tay quân bài có ba chữ trùng với ba chữ người hát xướng lên thì giành chiến thắng. Kết thúc một lần chơi, người may mắn vui mừng nhận lộc đầu năm, những người khác vỗ tay chúc mừng và cảm ơn người mang lời ca tiếng hát hay đến cho mọi người.
Phần quà của các trò chơi là những chiếc đèn lồng Hội An, như một kỷ niệm của người dân phố cổ. Những du khách nước ngoài cũng hào hứng tham gia theo lời hướng dẫn của người bản địa.
Thả đèn hoa đăng trên sông Hoài. |
Có phần sâu lắng và yên tĩnh hơn các khu vực khác là chương trình Đêm thơ Nguyên Tiêu với chủ đề “Hội An, tôi và em” do Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng tổ chức tại công viên Kazik. Trong không gian mở với sân khấu ngoài trời, các nhà thơ về với phố cổ như trải lòng cùng những cảm xúc dạt dào trong từng câu thơ về quê hương đất nước, mùa xuân, tình yêu đôi lứa. Dòng người yêu thơ, yêu cảnh nối nhau vòng quanh cùng hòa mình vào hồn thơ, hồn người. Xen lẫn chương trình là những ca khúc do chính các nhà thơ trình bày đã tạo nên nhiều âm hưởng cho đêm thơ.
Đến với Hội An ngày này, những vần thơ mượt mà xao xuyến, các con phố ngập tràn màu sắc đèn lồng, tiếng nói cười của du khách cùng câu hát dân gian của người bản xứ hòa quyện vào nhau, tất cả tạo nên một mùa tết Nguyên Tiêu phố cổ đa sắc màu và cũng thật bình yên.
Xem thêm: Hội An đêm rằm Nguyên Tiêu
Thùy Trang
Theo DuLich.vnexpress.net