Cuối tháng 6, một du khách tên Thái Nguyên đã kể lại trên trang xã hội về chuyến nghỉ mát của mình ở Sầm Sơn, Thanh Hóa. Chuyện là anh cùng gia đình vào một quán ăn nằm cách xa bãi biển để dùng bữa. Do nghĩ Sầm Sơn thời gian gần đây xử lý mạnh tay với nạn chặt chém nên anh Nguyên cứ vào bàn gọi món mà không để ý đến giá cả.
Tuy nhiên, khi cả nhà ăn xong và tính tiền, anh Nguyên mới tá hỏa vì chỉ với những món đơn giản như gà luộc, thịt bò xào, thịt lợn rang cháy cạnh, cơm và canh mà hóa đơn lên tới 1.380.000 đồng.
Sầm Sơn (Thanh Hóa) vào mùa hè rất đông khách du lịch. |
Du khách này đã tỏ ra rất bức xúc vì đĩa thịt gà được tính giá lên 600.000 đồng nhưng chỉ “lèo tèo vài miếng”. Chưa kể đĩa thịt bò xào hành tây cũng ít không kém mà có giá 250.000 đồng. Với kinh nghiệm khó quên này, anh Nguyên khẳng định: “Gần chục năm mới quay lại Sầm Sơn, nhưng đây sẽ là lần cuối cùng”.
Sau khi chia sẻ trên trang cá nhân, anh Nguyên được nhiều chia sẻ khác nhau. Có người kể lại cách đây vài năm bị “chặt chém” 2 lon nước ngọt giá 70.000 đồng cũng ngay tại Sầm Sơn.
Trao đổi với VnExpress, ông Trịnh Huy Triều – Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn cho biết sau khi nghe phản ánh, phía UBND thị xã đã cử người đi kiểm tra và phía nhà hàng cũng đã làm báo cáo gửi lên.
Ông Triều lý giải: “Thực tế một kg gà ở chợ là 120.000 đồng, cao điểm lên tới 150.000 đồng thì một con gà 2,4 kg sau khi chế biến tính giá 600.000 đồng thì không thể gọi là chặt chém. Nếu là chặt chém thì họ đã không dám tính phiếu thu”.
Ông còn cho biết có thể khách không ước tính được trọng lượng và giá cả nên thắc mắc như vậy. Phía Quản lý thị trường cũng đã gọi điện cho khách về vấn đề trên.
Tuy nhiên, không chỉ mỗi Sầm Sơn là có nạn “chặt chém”, một số thành phố như Nha Trang, Hải Phòng cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Chị An Chi, từng đi nghỉ mát ở Nha Trang vào tháng 6, được một người chở xích lô “gạ” đến ăn ở quán trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm vì quán này vừa ngon, vừa rẻ.
Chị gọi một số món ăn và chọn con cua buộc dây cân là 1,2 kg với giá 350.000 đồng/kg. Vậy mà khi nhân viên mang cua ra, chị thấy cua nhỏ xíu, không thể nặng 1,2 kg như ban đầu và yêu cầu phục vụ vào bếp kiểm tra lại.
“Lát sau nhân viên phục vụ mang ra một con cua đã luộc khác, nhỏ y như con trước, mà lại còn bị óp. Tôi đề nghị quản lý đến giải thích thì chị này tỏ vẻ khó chịu, nói rằng cua khi luộc rồi thì nhẹ đi”, chị Chi kể lại.
Một số khách ngồi bàn cạnh chứng kiến sự việc cũng tỏ ra bức xúc, họ bảo chị Chi đem lên cân lại. Trước sự chứng kiến của nhiều người, con cua chỉ nặng có 420 gram. “Tôi không chấp nhận việc bỏ tiền ra mua một con cua nặng 1,2 kg để rồi cuối cùng nó chỉ nặng có 420 gram, phải trả tiền thêm cho 780 gram sợi dây và hao phí khi luộc”, chị Chi chia sẻ.
Chị Chi gọi điện cho lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến du lịch Khánh Hòa và sau chuyến du lịch trở về TP HCM, chị mới nhận được phản hồi từ cơ quan chức năng. Họ cho rằng qua xác minh vụ việc chưa đủ cơ sở để xác định cơ sở kinh doanh này có hành vi đánh tráo, gian lận hàng hóa khi giao hàng cho khách hàng, người tiêu dùng.
Việc khách du lịch bị chặt chém không phải chuyện lạ. Không chỉ du khách trong nước, khách nước ngoài lại càng bị “chém”.
Hóa đơn được cho là “chặt chém” ở một nhà hàng ở Hải Phòng. |
Một bạn có nickname Hoang Yen Lee kể lại trên trang cá nhân, một nhóm bạn Trung Quốc của cô vào một nhà hàng có tiếng ở ngay trung tâm thành phố Hải Phòng. Khi ăn xong, hóa đơn lên tới hơn 8 triệu đồng cho 5 người ăn. Theo hóa đơn, một kg tôm sú giá 1.400.000 đồng, tu hài là 850.000 đồng.
“Tại sao các bạn không nghĩ các bạn sẽ có những vị khách quen và có thu nhập lâu dài từ lượng khách này thay hành xử như vậy. Mấy triệu đủ nuôi sống các bạn bao lâu để rồi nhắc đến du lịch Việt Nam người ta đã cảm thấy chán ngán”, Hoang Yen Lee bức xúc.
Anh Phương
Theo DuLich.vnexpress.net