Không những tô điểm cho vẻ đẹp đồng quê, những bông hoa cũng có những giá trị dinh dưỡng rất cao.
1. Hoa ban
Những du khách lên Tây Bắc vào mùa tháng 3 sẽ thấy một cả rừng hoa ban nở trắng trời. Hoa ban như người thiếu nữ e ấp, khiêm nhường, chỉ nở sau khi mùa hoa đào, hoa mận đã tàn lụi theo thời gian.
Ngoài vẻ đẹp đến nao lòng, hoa ban tím còn chế biến thành nhiều món ngon. Ảnh: thegioimautim |
Hoa đẹp mong manh là vậy, nhưng ít ai biết được những cánh hoa ban trắng tinh khôi hoặc phơn phớt tím ấy lại có thể chế biến thành những món ăn rất ngon, hấp dẫn du khách mỗi khi đặt chân lên Tây Bắc. Thường những người phụ nữ Thái hay hái hoa về nấu hoặc đem bán ở chợ như một thứ rau sạch được nhiều người ưa thích.
Hoa ban xào măng đắng có vị đắng của măng, nhưng lại có cái ngọt, bùi của hoa ban. Những phụ nữ Thái sau khi hái hoa hoa ban về, nhặt lấy cánh và nhụy hoa đem rửa nhẹ nhàng rồi trần qua nước nóng, đem vò nát rồi trộn thịt băm, gia vị nhồi cá. Ngoài ra người ta thường nấu canh, làm nộm, hoa ban hầm móng giò, xào thịt lợn rừng, ban đồ… rất hấp dẫn.
2. Hoa thiên lý
Vào mùa hè, hoa thiên lý nở tỏa hương thơm ngát làm mát dịu không gian. Hoa còn là loại thực phẩm bổ dưỡng, thường được chế biến thành nhiều món ăn, có tác dụng giải nhiệt, giúp ngủ ngon giấc.
Hoa thiên lý có thể nấu được nhiều món như nấu canh tôm, canh cá hú hay xào với các loại thực phẩm khác như thịt bò, xào hải sản, xào lòng gà… rất hấp dẫn. Nhưng món ăn đơn giản thường được nhiều người nấu vào mùa hè là thiên lý nấu với cua đồng, món ăn thật thanh, ngọt và thơm. Những bông hoa tươi còn e ấp nụ, được ngâm trong chậu nước rửa sạch bụi, khi cho vào nồi canh cua phải khéo léo để thịt không bị nát, gạch không bị vỡ, khi canh sôi cho hoa thiên lý vào rồi bắc ra ngay để hoa giữ nguyên sắc xanh. Thưởng thức một bữa ăn với tô canh hấp dẫn bởi màu sắc xanh rờn của những búp hoa, những tảng thịt cua điểm thêm chút gạch cua vàng óng trong mùa nắng thì không gì tuyệt bằng.
3. Hoa so đũa
Với người dân ở vùng sông nước miền Nam, hoa so đũa thường được chế biến thành những món ăn rất phong phú. Loài hoa trắng xóa hoặc tím, thường chỉ nở từ tháng 10 đến tháng 12 vừa có thể làm cây cảnh, nhưng lại vừa có giá trị dinh dưỡng rất cao.
Vào mùa so đũa, người ta thường hái những bông hoa tươi từ sáng sớm, nhặt bỏ cuống và vị đắng, bỏ đài, sau đó rửa nhẹ rồi chế biến thành những món canh chua cá rô, canh chua với khế, cá lóc, cá linh, tôm sống hoặc làm lẩu chua cùng một số loài ra khác đều rất ngon.
Bông so đũa nấu canh cá rô là một món ăn khoái khẩu của nhiều người. Ảnh: ngoisao |
Đơn giản hơn, người ta thường luộc bông so đũa, chấm với nước mắm kho quẹt hoặc luộc chung với các loài rau khác ăn giải nhiệt trong mùa hè oi bức, là món khoái khẩu của nhiều người.
4. Hoa bí
Thường thì nhiều người chỉ biết đến các món ăn được chế biến từ quả bí hoặc rau bí chứ ít ai biết được hoa bí cũng là một món ăn rất ngon. Hoa được cắt cả cuống, thường là hoa bí đực, thường được nấu canh, rất ngọt, thanh và mát. Khi cắt hoa bí về, người ta thường bỏ nhụy bên trong vì đắng, sau đó dùng luộc, xào hấp hay nấu canh với tôm khô, canh ngao, canh hến, canh cua hoặc xào chung cùng với thịt bò, thịt lợn.
Đơn giản nhất là đem luộc. Hoa bí chỉ cần luộc qua trong nồi nước sôi là đủ chín, vớt ra để nguội, vắt bớt nước chấm cùng với nước kho thịt, kho cá đều rất tuyệt.
5. Hoa điên điển
Mỗi năm vào mùa nước nổi, người dân sông nước miền Tây lại đi lấy những bông điên điển mọc tràn lan trên ruộng, trên sông rạch khi nước lũ ngập đồng. Hoa nở rộ khắp nơi tô điểm thêm một vùng quê sông nước, nhưng điên điển cũng là một món ăn mang đậm hương vị của miền quê, được coi là đặc sản sông nước.
Hoa điên điển nấu cá linh. Ảnh: phununet |
Người ta thường nấu điên điển thành các món ăn ngon như gỏi chua bông điên điển, điên điển xào tép, nộm hoa… Nhưng ngon nhất phải kể đến món canh chua hoa điên điển nấu cá linh. Cái chua chua của me, vị ngòn ngọt của cá và cái thơm, giòn, đăng đắng của bông điên điển làm tăng thêm đặc trưng của món ăn vùng sông nước.
Anh Phương
Theo DuLich.vnexpress.net