Mục đích chính của lễ hội này để cầu an, cầu siêu và tấn phong cấp bậc lên Đại Pháp Sư cho vị thầy cúng chủ trì buổi lễ. Không có quỹ riêng để tổ chức lễ hội nên ban tổ chức thường phải đứng ra kêu gọi sự đóng góp từ nhiều nguồn như thầy cúng muốn thăng cấp bậc trong lễ, người dân trong cộng đồng và các mạnh thường quân.
Trước đây, lễ được tổ chức trong các dịp thiên tai, bệnh dịch, mất mùa nhưng hiện nay, ngày tổ chức không cố định, và tùy thuộc vào số tiền quyên góp được, mong muốn cầu an, cầu siêu của người dân hoặc vị thầy cúng muốn thăng cấp bậc đứng ra tổ chức lễ.
Một nghi thức trong buổi lễ. |
Những khu vực tập trung người Hoa cư trú thường có một miếu thờ Thổ Thần hay Quan Âm, nơi dành cho tín ngưỡng có tính cộng đồng. Đây cũng chính là nơi diễn ra lễ Tả Tài Phán khi tổ chức. Vào thời gian diễn ra lễ, cộng đồng dân cư quanh vùng đều tập trung để chuẩn bị cho các hoạt động trong lễ hội.
Khu vực miếu thờ được thiết kế thành không gian dành cho hoạt động hành lễ gồm ba phần chính: cổng chào, khu vực cầu thí và thờ cúng. Khu vực cổng chào còn gọi là cổng thành, có ba cửa, với cửa lớn chính giữa và hai cửa nhỏ hai bên. Phía trên cửa chính thường dựng cao kiểu lầu từ hai đến ba tầng.
Những cuộn vải màu cầu an, cầu siêu |
Cổng thường được làm bằng tre, trang trí giấy màu rực rỡ, dán những câu chữ Hán chào mừng những người đến tham dự. Bước qua cổng là vào nội thành, với không gian trang trí sặc sỡ.
Khu vực cầu thí cách cổng thành khoảng 10 m. Hai bên tả, hữu của lều cầu thí là những cây nêu cầu thí của các gia chủ. Những cây tre, trên có tấm vải đỏ dài viết nội dung cầu tế, đèn treo được dựng cao lên. Hai hàng cây tre hướng về phía khu thờ cúng chính là gian Chung Tổ Đường.
Chung Tổ Đường cách cổng 30 – 33 m, có ba gian thờ. Ở giữa thờ tổ tiên, nơi để những bài vị, chân nhang của những người tổ chức, các thí chủ tham dự và đăng lĩnh. Bên phải là Võ đàn, nơi để bàn thờ Ngọc Hoàng và các vị thần linh, võ tướng. Bên trái là Văn đàn, bài trí thờ Tam Bảo Phật. Phía bên trong mỗi gian thờ có một bàn thờ, trang trí nhiều giấy màu sặc sỡ, long mão gắn lông công, nhiều hình ảnh liên quan đến các vị thần linh.
Ba cửa chính ngang hàng, dán nhiều câu chữ Hán ca tụng công, đức, sự hiển linh, báo đáp. Những mảnh vải đỏ từ hàng tre tùy theo nội dung câu tế mà khi hành lễ được kéo nối với các gian thờ theo quy định: cầu phúc nối vào Văn đàn, cầu thọ nối vào Võ đàn.
Trong khu vực từ chỗ hàng tre cầu thí đến Chung Tổ Đường được dùng làm đàn cho các thầy cúng hành lễ ngoài trời với bàn thờ tế, dựng cây tre lớn, vật tế sống (như bò, heo) và dựng đao cầu giải, hành dẫn qua dãy than hồng… theo quy trình của lễ hội.
Đây là lễ hội truyền thống quy mô lớn của cộng đồng người Hoa chuyên canh nông nghiệp. Lễ hội diễn ra trong nhiều ngày với các nghi thức dung hợp từ nhiều tín ngưỡng, nhưng nghi thức của Đạo giáo chiếm vai trò chủ đạo do lực lượng các pháp sư chủ trì và hành lễ. Trong khi cử hành lễ, các vị pháp sư sẽ biểu diễn các nghi thức với dàn kèn trống cùng sự hỗ trợ của các vị thầy cúng khác.
Ngoài cầu an, lễ hội này còn cầu siêu cho các vong hồn, âm binh do Tổ Công Thần cai quản. Các vong hồn sẽ tụ về để nhận các vật phẩm cúng tế của người dân. Vật phẩm tế thần thường là một con bò và một con heo khỏe mạnh. Trong lễ hội còn có nghi thức các vị thầy cúng leo lên cột dao hành lễ. Cột là cây gỗ lớn mà bậc thang là những lưỡi dao sắc bén chìa ra.
Cột dao dành cho các vị thầy cúng leo lên hành lễ |
Trong lễ hội có quy mô lớn của người Hoa ở khu vực Định Quán này, người dân tham gia thường cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu an cho mỗi gia đình và cầu siêu cho những linh hồn đã khuất. Với số tiền quyên góp cho lễ hội, sau khi dùng chi phí cho việc tổ chức lễ hội, tiền còn thừa sẽ được mang đi làm từ thiện.
Bài và ảnh: Nguyễn Tự
Theo DuLich.vnexpress.net