Đó là Lễ hội Ariêu Car, một trong những lễ hội văn hóa truyền thống ở địa bàn vùng cao huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế với sự tham gia đông đảo cộng đồng người dân tộc thiểu số Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hi đang sinh sống ở nơi đây.
Theo Văn Hoá đã có bài phản ánh, cùng với Lễ hội Văn hoá truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) vừa được tổ chức trong hai ngày 13 – 14.3 vừa qua thì đây là lễ hội truyền thống vùng cao thứ hai bỏ nghi lễ đâm trâu.
Lễ hội A riêu Car là lễ hội linh thiêng và lớn nhất của huyện vùng cao A Lưới được tổ chức định kỳ 10 năm hoặc 20 năm một lần. Nội dung ý nghĩa của lễ hội Ariêu Car nhằm thắt chặt tình đoàn kết giữa các làng, qua đó kết nghĩa tâm giao giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn hoạn nạn, tạo điều kiện cho nhau về đất đai để làm ăn sinh sống, gắn kết tình thông gia, tình bạn, giải quyết, giải hòa mâu thuẫn giữa các làng bản, các vùng. Ariêu Car trở thành ngày hội đại đoàn kết để cộng đồng các tộc người Pa Cô, Tà Ôi, Ka Tu, Pa Hi cùng các dân tộc anh em khác đang sinh sống trên đại ngàn dãy Trường Sơn hùng vĩ gắn bó bền chặt hơn, thể hiện sắc màu văn hóa các dân tộc với sự đa dạng, phong phú về bản sắc, phong tục, tập quán và lễ hội. Theo các già làng nơi đây, Lễ hội Ariêu Car cũng là dịp để tạ ơn các vị thần linh đã phù hộ cho dân làng sức khỏe, mùa màng bội thu, cuộc sống ngày càng no ấm, hạnh phúc. Những nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc riêng biệt từ xa xưa vẫn còn được lưu giữ cho đến hôm nay.
Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện A Lưới cho biết, nhiều năm qua, huyện đã duy trì lễ hội Ariêu Car như một nét đẹp truyền thống. Các già làng sẽ quy định, quy ước chung những điều không được vi phạm, đưa ra những hình phạt nhất định nếu bên nào vi phạm và sẽ giải quyết, xử lý theo lệ làng đã quy định. Trước đây lễ hội thường diễn ra từ ba đến năm ngày.
Nghi lễ trước khi tổ chức lễ hội chính thức sẽ có năm nghi lễ không thể thiếu và khi tổ chức lễ hội chính thức các già làng, chủ lễ hội phải thực hiện qua nhiều nghi lễ như: Nghi lễ Pa đoh ân đoong (Khai hội), nghi lễ Veel moot (Đón khách), nghi lễ Pa dưưn veel (Vũ điệu chào mừng lễ hội), nghi lễ Tực Ariêu Car (Cúng Ariêu Car), nghi lễ Moot Câr hoot, coat pâr nai (Gửi gắm, Định ước), nghi lễ Zi Zar (Báo hiệu lễ hội A riêu Car kết thúc), nghi lễ Pa choo tâm mooi (Tiễn khách)…
Đặc biệt là nghi lễ Chật Ty riaq (Đâm trâu) là nghi lễ quan trọng nhất của lễ hội. Tuy nhiên, khác với những lễ hội trước, năm nay lễ hội Ariêu Car đã được bỏ đi phần lễ đâm trâu. “Thực hiện theo Thông tư số 15 của Bộ VHTTDL về quy định không tổ chức các lễ hội có nội dung “đâm chém, kinh dị, rùng rợn”… nên tại lễ hội Ariêu Car năm 2016, Ban tổ chức đã bỏ nghi lễ đâm trâu. Mặc dù vậy nhưng lễ hội vẫn diễn ra hoành tráng, đậm chất văn hóa dân gian và thu hút đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số đến tham dự”, bà Thêm khẳng định.
Bên lề tái hiện lễ hội Ariêu Car truyền thống, huyện A Lưới còn tổ chức tái hiện một số sinh hoạt văn hóa các dân tộc A Lưới như trình diễn và trưng bày các sản phẩm đan lát thủ công truyền thống; trình diễn và trưng bày các sản phẩm dệt Zèng truyền thống; không gian văn hóa ẩm thực và trình diễn dân ca, dân nhạc, dân vũ truyền thống.
Theo Văn hóa Online