Trong tâm trí của nhiều phượt thủ, Tây Nguyên nổi tiếng với hồ Lăk thơ mộng, cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn hay những đồi hoa cà phê rực trắng. Không chỉ vậy, nơi đây còn có nhiều món ăn độc đáo, nổi bật nhất phải kể đến những loại được chế biến từ các loài côn trùng dưới đây.
Sâu muồng
Khi cơn mưa đầu mùa Tây Nguyên xuất hiện, những con sâu muồng bắt đầu bám đầy trên lá cây xanh non ở các rẫy cà phê, tiêu hay ở những con đường đất đỏ dẫn vào buôn làng. Loại côn trùng này nhiều đến mức bất kể ai đi ngang qua cũng sẽ bị vài chú sâu bám lấy và bò lổm cổm lên người.
Vốn là loài vật phá hoại mùa màng nhưng mỗi khi vào mùa, sâu lại là đặc sản độc đáo của người dân nơi đây. Con sâu có màu xanh đậm, mình trơn trơn, bám đầy trên các đám muồng – loại cây dùng để chắn sương muối cho cà phê. Mỗi lần muốn thưởng thức, chỉ cần nửa buổi ra bắt, người dân nơi đây đã có bữa đặc sản ngon lành. Sâu muồng có vị béo ngọt, được thưởng thức bằng cách xào, luộc hoặc thậm chí còn có thể ăn sống. Mỗi cách chế biến đều có những dư vị lạ miệng hấp dẫn.
Sâu muồng, đặc sản độc đáo của người dân Tây Nguyên. Ảnh: Vunglep. |
Nhộng sâu
Nhộng sâu cũng được xếp vào loại đặc sản có một không hai ở Tây Nguyên, vị béo, ngọt bùi, hương thơm ngào ngạt như mùi hoa cà phê tháng ba nở rộ. Khi trưởng thành, sâu di chuyển về thân cây muồng để kéo kén thành nhộng. Đó cũng là lúc những con sâu ngủ dài và chờ đợi thành bướm. Khi kén sâu phủ đầy trên lá và chuyển thành nhộng to tròn, người dân bắt đầu thu hoạch và chế biến với ba cách chính là xào, luộc hoặc ăn sống.
Nhộng sâu, món ngon cho những ngày mưa Tây Nguyên. Ảnh: Baotintuc. |
Kiến vàng
Kiến là loài côn trùng có mặt ở khắp nơi, kích thước nhỏ xíu nhưng chứa dinh dưỡng khá cao. Bởi thế, kiến có thể được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Nổi bật nhất phải kể đến xôi trứng kiến, trứng kiến nấu măng sặc, trứng kiến trộn gỏi đu đủ, gỏi bưởi hay nấu canh chua lá giang. Riêng ở Tây Nguyên, đồng bào nơi đây có món canh chua ổ kiến vàng nấu cá suối.
Theo đó, cá suối bắt về được làm sạch, cho vào nồi nước đang sôi. Khi cá gần chín, người nấu đưa nguyên ổ kiến vàng vào nồi canh và trộn đều. Cách làm này giúp hòa tan trọn vẹn vị chua của ổ kiến.
Ngoài ra, nơi đây còn có món muối kiến vàng nổi tiếng. Kiến được dùng phải là loại to, sau khi bắt về sẽ phơi nhẹ nửa ngày nắng. Công đoạn tiếp theo là giã chung với ớt xiêm rừng, lá é, ít muối và một loại lá rừng được hái kèm trong lúc đi bắt kiến. Thứ gia vị này ăn canh rau tập tàng, các món thịt rừng khô hay để chấm cóc xanh, xoài, ổi.
Muối kiến vàng là đặc sản của người dân Gia Lai. Ảnh: Eva. |
Ve sầu
Du khách đã từng đặt chân đến Tây Nguyên vào những ngày hè sẽ nghe những tiếng râm ran, náo nhiệt, rộn rã của ve sầu. Mưa mùa hè cũng chính là giai đoạn sinh sôi, nảy nở và phát triển loài ve. Khi ấu trùng ve lột xác để chuyển sang giai đoạn trưởng thành, người dân đổ xô đi bắt và chế biến thành những món ăn hấp dẫn.
Ve sầu món ăn rất được ưa chuộng với nhiều thực khách. Ảnh: Thesaigontimes. |
Ve đực được ưa chuộng hơn cả vì thịt chắc, thơm ngon. Việc phân biệt cũng đơn giản. Chỉ bằng mắt thường, bạn dễ thấy ve đực nhỏ, cánh dày và phát tiếng kêu. Trong khi đó, ve cái lại cánh mỏng, bụng to và không phát ra tiếng kêu nào khi bị chạm vào.
Ve bắt về được cắt bỏ cánh, chân và ruột, sau đó nhét những hạt đậu phộng đã rang chín vào bụng. Công đoạn tiếp theo là chiên qua chảo dầu và nêm nếm ít gia vị như mắm, bột ngọt, hành tím, ớt, tỏi đến khi chuyển màu hơi vàng ruộm. Ve chiên giòn vị béo ngậy, cộng với sự bùi bùi của đậu phộng và cay từ ớt khiến ai đã một lần thưởng thức sẽ nhớ mãi.
Văn Trãi
Theo DuLich.vnexpress.net