Đứng ở trung tâm xã Ngán Chiên, huyện Xí Mần nhìn xuống, có thể thấy hàng chục đỉnh đồi, núi lớn nhỏ lô nhô xếp tầng lên nhau. Ông Xìn Đức Việt, Phó chủ tịch xã khoe rằng, địa phương có hẳn một thôn toàn người giàu. Đó là thôn Đông Chứ 1, nơi có gia tộc họ Lù sinh sống từ nhiều đời.
Giao thông ở Ngán Chiên rất tệ, chủ yếu vẫn là đường đất, nhiều đoạn bị nước suối cắt ngang chưa có cầu, xe máy lao xuống là chết máy, phải nhờ (thuê) dân bản địa khênh qua. Thế mà họ Lù ở thôn Đông Chứ 1 đã tự bỏ tiền làm một tuyến đường bê tông ra đến tận UBND xã.
Trong ngôi nhà sàn khang trang được dựng bằng gỗ nghiến bào bóng nhoáng, ông Lù Sào Tin (63 tuổi) đang ngồi bên lò than hồng rực lửa, tay phải nắm một thanh sắt nhỏ gắn với khúc gỗ rỗng bịt kín hai đầu, hết kéo ra lại đẩy, tay trái cầm chiếc kìm sắt kẹp một chén đất nung chứa những mảnh bạc vụn màu xám đục hơ trên lửa. Sau khi những mảnh bạc bị nung chảy, ông nâng chén lên trước ngực, phùng miệng lấy hơi rồi thổi bay lớp màng tro nổi lềnh phềnh trên bề mặt tạo ra những tia sáng như pháo bông đang cháy.
Người thợ chạm bạc lật một viên gạch đất đã khoét rãnh ở giữa, từ từ nghiêng chén rót bạc vào đó, trong nháy mắt, chất lỏng màu đỏ chuyển thành một thanh bạc thon như cây bút chì trắng muốt. Dội gáo nước cho hạ nhiệt, ông Tin cầm thanh bạc đặt lên một tảng sắt, cứ thế dùng búa nện thành một dây bạc dài thuồn thuột. “Từ dây bạc này, tôi có thể kéo thành sợi chỉ, sợi tóc nhờ tấm kẽm đục nhiều lỗ có kích cỡ khác nhau. Nhiều người học cả đời cũng không làm được kỹ thuật này đâu”, ông Tin khoe.
Ông Tin bảo: “Thôn Đông Chứ 1 có 14 hộ thì tất thảy đều là con cháu gia tộc họ Lù. Nghề chạm bạc đã có từ đời cụ nội tôi, đến lớp lớp các thế hệ con cháu tiếp nối, ai cũng giữ nghiệp tiên tổ truyền lại”.
Những thành viên của gia tộc họ Lù ở Đông Chứ 1 vẫn tự hào rằng, ở đâu có người Nùng thì ở đó có sản phẩm trang sức của gia đình mình chế tác. Không chỉ dân buôn vàng bạc ở Hà Giang, mà các tỉnh lân cận như Tuyên Quang, Yên Bái, Cao Bằng, Lào Cai… cũng tìm đến đặt hàng.
Người Nùng quan niệm, bạc là hiện thân của tình yêu vĩnh cửu, vì thế trong những đám cưới hỏi, trên người cô dâu có nhiều trang sức bằng bạc, từ chiếc khuy, đồng xu đính trên áo, đến bộ xà tích lúc lắc cạp quần, đôi lắc tay to như quai đồng hồ trên tay và 4-5 chiếc dây chuyền to nhỏ với những hình thù khác nhau lủng lẳng trước ngực…
Mỗi họa tiết đều mang một ý nghĩa riêng, thể hiện văn hóa của người Nùng từ nếp nghĩ đến sinh hoạt đời thường. Ví dụ, chim bồ câu tượng trưng cho khát vọng hoà bình; rồng – phượng tượng trưng cho cuộc sống vợ chồng hạnh phúc; đồng bạc thể hiện ước vọng đổi đời và dây chuyền ghép từ những mắt xích là hiện thân của tinh thần gắn kết cộng đồng… Ông Tin cho biết, một bộ trang sức của cô dâu phải mất 1-1,5 kg bạc trắng, tùy vào điều kiện của mỗi gia đình. Và đó cũng là số tiền mà nhà gái thách cưới nhà trai.
“Đồ trang sức của gia tộc tôi là thứ hàng độc nhất vô nhị, chẳng ai có thể nhái được. Bởi chúng tôi được tổ tiên truyền lại hàng trăm khuôn đúc mang hình thù khác nhau, tinh xảo đến mức nhiều chi tiết phải soi kính lúp mới nhìn thấy. Và khoảng 90% họa tiết được đục, uấn, giũa, cắt và hàn… bằng tay. Có những đồ trang sức, chỉ cần lỗi một họa tiết, chúng tôi sẵn sàng đập bỏ và nung lại, tuyệt đối không bán hàng lỗi. Trong quy tắc nghề nghiệp của dòng họ quy định không ai được uống rượu trước và trong giờ làm việc”, ông Tin tiết lộ.
Có lẽ, vì cảm mến tính tỉ mẩn và cầu toàn đầy trách nhiệm đối với từng sản phẩm của thợ kim hoàn họ Lù mà người ta chấp nhận vượt bao ngọn đồi, quả núi tìm đến vùng đất giữa mây mù đặt hàng. Tiền bạc, giàu sang được sinh ra từ đó. Vào ngày mùng 1 hàng tháng, gia tộc họ Lù lại giết lợn béo, dê đực, gà, ngan, ngỗng… bày mâm cao cỗ đầy họp mặt các thành viên. Nếu nhìn thấy cuộc sống sung túc ấy, có lẽ nhiều gia đình ở phố thị cũng thấy thèm thuồng.
Theo Nông nghiệp Việt Nam
Theo DuLich.vnexpress.net