Với người miền Tây Nam Bộ, vào mùa nước tháng 9 âm lịch, những cánh đồng chỗ nào cũng trắng xóa. Mùa nước về cũng là lúc nơi đây bước vào vụ thu hoạch lúa, nguồn thức ăn dồi dào, hàng trăm đàn vịt tràn xuống ruộng. Những con vịt xiêm béo tròn, kêu quang quác cả một vùng rộng lớn.
Người dân sau vụ lúa cũng rảnh rang và thường đãi nhau những món ngon từ vịt. Cứ chiều chiều, sau khi vịt về chuồng, họ bắt lại và làm món nướng, luộc, nấu chao… Nhưng dễ làm và dễ ăn hơn cả là món cháo vịt, lai rai làm mồi nhậu ấm bụng mỗi buổi tối.
Vịt được chọn là những con nhỏ, khoảng hơn một kg vừa chắc thịt lại thơm ngon. Để khử bớt mùi hôi, vịt sau khi làm sạch lông sẽ dùng gừng hoặc rượu trắng sát nhẹ.
Vịt được chặt thành miếng, rắc thêm chút hành phi thơm vàng óng, chấm với nước mắm tỏi là món ăn dân dã ở miền Tây Nam Bộ. Ảnh: giamua |
Thịt vịt được cho vào nồi nước luộc cùng chút gừng, muối, và hành củ đã được nướng chín và đập dập. Khi nước sôi phải giảm nhỏ lửa và hớt hết bọt để nước luộc vịt được trong.
Muốn cháo vịt ngon phải chọn loại gạo thơm, thêm một nắm gạo nếp cho dẻo, vo sạch rồi cho vào chảo rang lên đến khi ngả sang màu vàng nhạt. Khi luộc vịt chín vớt ra cho gạo vào nồi đun trên bếp để hạt gạo nở bung, tỏa ra mùi thơm nức.
Thịt vịt luộc được chặt ra thành từng miếng nhỏ, chấm với nước mắm pha chua ngọt, cùng tỏi, ớt giã nhuyễn, thêm vài sợi gừng thái nhỏ, gia giảm cho vừa miệng.
Cháo nóng được rắc thêm hành lá, tía tô hay rau mùi thái nhỏ, thêm chút tiêu xay cho dậy vị, ăn kèm với thịt vịt luộc chấm mắm tỏi. Bạn sẽ cảm nhận những miếng thịt ngọt, béo mà không ngấy, lẫn trong bát cháo sóng sánh.
Anh Phương
Theo DuLich.vnexpress.net