Dân tộc Cao Lan sống tập trung ở một số vùng cao các tỉnh phía bắc như Bắc Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên… Ẩm thực của đồng bào nơi đây có nhiều nét đặc trưng như xôi ngũ sắc, bánh vắt vai… và đặc biệt là canh chua rau sắn cá lóc.
Cây sắn hay khoai mì được trồng từ khoảng tháng 3 hàng năm trên các cao nguyên, bao bọc bởi những dãy núi đá vôi. Sau khi trồng khoảng hai tháng, người Cao Lan thường bẻ ngọn để cây sắn đâm thêm chồi giúp sai củ. Với công thức chế biến rau sắn chua nấu cùng cá lóc, món canh này dân dã và không thể thiếu trong mỗi bữa cơm.
Canh chua rau sắn cá lóc luôn là món ăn không thể thiếu trong mỗi bữa cơm truyền thống của người dân tộc Cao Lan. |
Trước hết, để chế biến món ăn này, bạn ngắt những ngọn sắn non, cắt bỏ phần gân lá để khi ăn không bị dai, vò thật nhuyễn rồi rửa sạch hết phần nhựa xanh.
Sau đó, bỏ phần rau vào chậu ngâm cùng nước lạnh để lên chua. Thời gian ngâm tùy thuộc vào thời tiết. Nếu thời tiết lạnh, bạn mất khoảng hai đến ba ngày, ngược lại ở nhiệt độ bình thường từ 25 độ C chỉ mất một ngày. Sau khi rau chua, bạn có thể đem ra nấu mà không cần rửa lại.
Cá lóc là thành phần không thể thiếu khi nấu với rau ngâm chua này. Theo dân bản địa, loại cá này giàu chất đạm có tác dụng tăng cường sức khỏe và sức đề kháng cho cơ thể.
Sau khi làm sạch, cắt cá thành từng khúc vừa, cho vào nồi cùng chút dầu ăn, tỏi ớt băm nhuyễn, dùng đũa đảo trong khoảng một phút cho thịt cá hơi săn lại. Sau đó, bạn cho phần rau và nước ngâm chua vào nồi. Thời gian nấu khoảng 20 phút, bạn có thể nêm nếm gia vị và thưởng thức món ăn này. Người Cao Lan thường ăn món canh chua này cùng cơm tẻ truyền thống và chén nước mắm ớt đậm đà.
Tỏi có vị cay the còn ớt mang vị cay nồng hòa cùng vị chua của rau sắn sẽ át đi mùi tanh của cá, khiến hương vị của món ăn này thêm phần trọn vẹn.
Xem thêm: Tục dán giấy đỏ đón Tết của người Cao Lan.
Hoàng Thương
Theo DuLich.vnexpress.net