Dầu vón cục vừa xuất hiện dọc bờ biển thuộc khu vực Bãi Sau TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Nhân viên các khu du lịch cho biết, từ sáng sớm hôm qua dầu vón cục mới chỉ rải rác nhưng sau vài giờ, một lượng lớn theo sóng dạt vào, gây ô nhiễm hàng loạt bãi tắm. Trước tình trạng này, nhiều du khách tỏ ra e ngại, không dám xuống biển.
Đây không phải là lần đầu tiên dầu vón cục xuất hiện ở biển Vũng Tàu. Tháng 4/2013, những mảng dầu lớn từng bị sóng đánh vào bờ, vỡ vụn nằm xếp lớp trên cát suốt hơn 2 km dọc bờ biển thuộc Bãi Sau. Hiện tượng này xảy ra với bãi tắm của Vũng Tàu từ nhiều năm nay mỗi khi gió chuyển mùa từ đông bắc sang tây nam. Cơ quan chức năng chưa tìm được nguyên nhân.
Bãi biển vắng bóng khách sau khi dầu vón cục xuất hiện. Ảnh: Xuân Mai |
Thông thường, thời gian để thu gom dầu vón cục và làm sạch bãi biển chỉ trong khoảng 2-3 ngày, do đó, mọi người nên chờ qua thời gian này và sau đó có thể thưởng thức những làn sóng mát trở lại. Du khách cũng nên chủ động cẩn thận và theo dõi tình hình các bãi biển trước khi ghé thăm.
Trường hợp đang bơi và gặp sự cố dầu loang, hãy bình tĩnh lên bờ càng sớm càng tốt, dùng giấy thấm dầu lau sạch toàn thân và sau đó tắm rửa kỹ bằng xà phòng.
Bọt bẩn do hiện tượng thủy triều đỏ gây ra ở biển Phan Thiết năm 2014. |
Ngoài hiện tượng dầu vón cục, một số vấn đề khác từ môi trường từng gây ảnh hưởng cho du khách trên các bãi biển Việt Nam. Thủy triều đỏ hay “tảo nở hoa”, thường xảy ra từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm, ở các vùng biển Nam Trung Bộ như Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận…, một số ít ở phía Bắc và phía Nam như Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu. Hiện tượng này không chỉ gây mất mỹ quan và mùi khó chịu, mà còn khiến nhiều du khách tắm biển bị ngứa hay dị ứng.
Kinh nghiệm tránh sự cố khi tắm biển
Vy An – Trần Hằng
Theo DuLich.vnexpress.net