Ngoài lên chùa trong lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ, thì ăn chay cũng là một việc làm không thể thiếu trong dịp này.
Cơm chay
Đây là món phổ biến nhất trong các quán ăn chay. Nếu như trước đây, cơm chay chỉ đơn giản gồm rau, đậu, lạc, nấm, măng… luộc hoặc xào thì hiện nay thực đơn này ngày càng phong phú với các món và cách chế biến khác nhau. Sẽ không có gì quá ngạc nhiên khi bạn vẫn có thể chọn cá kho, thịt gà rán, thịt bò xào, chả giò, chả cá… hay mực xào, tôm chiên, sò nướng… cho bữa chay của mình. Bởi tuy có tên gọi như các món mặn nhưng chúng lại được làm hoàn toàn từ những nguyên liệu thực vật như: đậu nành, củ sen, bột mì, bột sắn, nấm… và nhiều loại rau củ khác.
Cơm chay với nấm và một số loại rau củ. Ảnh: Huấn Phan |
Nấu cơm chay quan trọng nhất là cách chế biến. Để biến phần nguyên liệu thực vật thành những món ăn có hương vị và hình thù y hệt các món ăn thường đòi hỏi người làm phải chế biến theo một quy trình rất chặt chẽ, tuân thủ tuyệt đối yêu cầu về chất lượng. Do đó, khi thưởng thức bất kỳ món chay nào, nhiều người không khỏi giật mình khi các loại bột mì, ngũ quả được chế biến thành gà, tôm… như thật.
Vào lễ Vu Lan hay ngày rằm, mùng một, bạn có thể dễ dàng tìm cho mình một quán cơm chay ở Hà Nội hay Sài Gòn. Địa chỉ tham khảo dành cho bạn là các quán cơm chay ở Hai Bà Trưng, Giải Phóng, Quán Thánh, Linh Lang… ở Hà Nội hoặc trên đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Trãi, Hoàng Diệu… ở Sài Gòn.
Bún, miến, phở chay
Ngoài cơm, bạn còn có thể được thưởng thức các món bún, miến, phở chay vào lễ Vu Lan. Cũng như cơm, các món chay này tưởng chừng như đơn điệu nhưng lại rất đa dạng và phong phú về cách trình bày và chế biến. Chỉ riêng bún có thể kể đến như bún ốc, bún riêu, bún thang…; phở cũng có gà, bò bắt mắt. Ngoài ra, bạn có thể lựa chọn bún, miến, phở chan nước hoặc ăn khô.
Bún chay khô. Ảnh: Cún Khang. |
Cách làm phần đồ ăn kèm bún, miến, phở không khác món cơm chay. Riêng nước dùng không được ninh từ xương ống như các món thông thường, mà phải chế từ rau, củ quả và nấm để lấy vị ngọt tự nhiên. Những món chay này có ưu điểm dễ ăn lại lạ miệng. Bạn có thể tìm đến các quán chuyên món chay ở đường Trần Thái Tông, Hưng Phú, Lạc Long Quân (Sài Gòn) hoặc Quán Thánh, Phó Đức Chính, Đào Tấn (Hà Nội) để thưởng thức các món bún, miến, phở chay.
Lẩu chay
Với những “đệ tử” của đồ chay, món ăn không thể bỏ qua chính là lẩu. Giống với bún, miến, phở chay, nước lẩu chay tinh chế từ rau, củ, quả như lê, táo, dừa xiêm, củ cải đường, gốc mía, su hào, cà rốt, mướp hương… để không những ngọt ngon mà còn phảng phất hương thơm rất tự nhiên.
Lẩu chay không chỉ bắt mắt mà còn có giá trị dinh dưỡng cao. Ảnh: Thư Kỳ |
Tuy nhiên, không cầu kỳ về cách chế biến, các thành phần nhúng lẩu hầu hết là những nguyên liệu từ thực vật được sơ chế tự nhiên như rau, đậu, nấm… Từ đó tạo nên các loại lẩu khác nhau như lẩu nấm, lẩu thái chay, lẩu chao chay, lẩu mắm chay… Mỗi loại sẽ mang một hương vị riêng và được thay đổi theo khẩu vị của từng người. Quán lẩu chay trên đường Hàng Cót, Giang Văn Minh ở Hà Nội hay Lê Ngô Cát, Trường Sơn (quận 10) ở Sài Gòn là nơi bạn có thể thưởng thức món ăn này.
Vy An
Theo DuLich.vnexpress.net