Con rạm nhỏ hơn cua đồng với lớp vỏ cứng, mình dẹt, nhiều gạch, thịt ngọt và béo. Để làm món này, rạm phải chọn loại ở đầm Trà Ô mới có vị ngọt, thơm khác biệt. Thường những người sành ăn sẽ chọn những con rạm cái vì vỏ mềm, nhiều gạch, càng to, thịt chắc.
Rạm được ngâm cho sạch đất rồi rửa lại, xay nhuyễn, lọc nước như cách làm cua, nêm nếm gia vị rồi đem đun lên trên bếp lửa liu riu. Hành khô xắt nhỏ được phi thơm cùng mỡ hay dầu ăn rồi đổ vào nước rạm cho dậy vị thơm. Khi sôi, nước rạm sẽ sánh lại và nổi những váng thịt, váng mỡ đặc cả nồi nước.
Món bún rạm dân dã mà hấp dẫn thực khách gần xa bởi vị rạm béo, nhiều thịt và thơm ngon. Ảnh: saigonamthuc |
Làm bún cũng lắm công phu, phải chọn loại gạo ngon rồi ngâm, xay nhuyễn và cho vào trong túi vải cho rút nước. Khi có khách gọi, chủ hàngsẽ làm bún tươi ngay tại chỗ nên khi ăn, bát bún vẫn còn nóng hổi và thơm mùi gạo.
Trên bề mặt tô bún vừa được làm, chủ hàng chan nước rạm sóng sánh những váng rạm vàng ươm, thơm nức, thêm chút chanh ớt, vài hạt lạc rang giã dối, ăn kèm rau sống.
Món bún rạm đơn giản là vậy nhưng khi ăn bạn sẽ cảm nhận được sự hòa quyện giữa bún tươi và nước rạm, kèm chiếc bánh tráng gạo nướng. Thực khách vừa húp, vừa suýt xoa vì nóng hổi, tận hưởng vị ngọt ngào, thơm ngon của rạm Trà Ô.
Khám phá miền đất võ, ghé vào bất cứ quán bình dân nào bạn cũng dễ dàng để thưởng thức tô bún rạm với giá bình dân, khoảng 18.000 – 20.000 đồng một bát.
Xem thêm: Ba ngày du ngoạn đất võ Bình Định.
Anh Phương
Theo DuLich.vnexpress.net