Theo dân bản địa, bún mắm cua được du nhập từ những người Bình Định lên Gia Lai lập nghiệp. Để làm một bát bún ngon đòi hỏi người chế biến hết sức kỳ công.
Ai đã ăn bún mắm cua sẽ nhớ mãi bởi hương vị đặc trưng. Ảnh: Khánh Hòa |
Nguyên liệu cho món này rất phong phú, bao gồm cua đồng, bún, thịt ba chỉ, măng, chả hoặc nem, da lợn chiên giòn, bánh phồng tôm, các loại gia vị ớt, mắm nêm… Trong đó, cua đồng là thành phần quan trọng nhất.
Người làm thường chọn những con cua đồng béo vàng rửa sạch, bóc bỏ mai, sau đó giã nhuyễn. Bước tiếp theo là lọc lấy nước, cho thêm chút muối ủ kín qua một đêm, chờ nước đủ độ chua. Thịt ba chỉ, măng tươi xào cho săn, sau đó cho nước cua đã ủ vào, nấu sôi kỹ, thêm mắm nêm, bột ngọt vừa ăn.
Khi khách gọi, chủ quán mới trụng ít bún tươi vào tô. Tùy theo khẩu vị hay sở thích mỗi người mà chủ quán sẽ cho thêm chả, nem chua hay bóng lợn cắt nhỏ, chiên giòn rồi chan nước mắm cua vào.
Tô bún mắm cua be bé xinh xinh thường được dọn kèm với một đĩa rau sống tươi xanh mơn mởn gồm xà lách, húng thơm, ngổ, giá, bắp chuối hay húng quế, kinh giới… Một chút ớt cay nồng, thêm nước cốt chanh làm thanh vị cua giúp món ăn ngon đúng điệu.
Hương vị đầu tiên khi thưởng thức là cảm giác nồng đậm của nước mắm nguyên chất và nước cua lên men tỏa ra ngay khi tô bún được bưng tới. Gắp một chút bún, nhấm nháp vị mặn của mắm kết hợp sự ngọt ngào từ cua cùng mùi thơm các loại rau sống hòa quyện, tất cả tạo nên món ăn dân dã rất đặc trưng phố núi.
Anh Phương
Theo DuLich.vnexpress.net