Nếu ta có dịp đến châu Âu thì nên tìm hiểu một chút về văn hóa ứng xử
>> Văn hóa ứng xử của một số nước Châu Âu (P1)
Mỗi vùng đều sẽ có văn hóa ứng xử khác nhau, hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu một chút về văn hóa ứng xử ở châu Âu.
Người Áo
Họ quen bắt tay chặt khi giao tiếp, tác phong công việc rất đúng giờ. Họ luôn giữ thói quen xưng hô trang trọng, ít khi dùng tên thân mật. Hoa hay sô cô la là quà tặng quen thuộc khi được mời tới nhà và rất không thích bị nhầm là người Đức dù sử dụng tiếng Đức. Họ thích âm nhạc, thể thao, nghệ thuật, lịch sử, các loại rượu. Họ tránh các chủ đề: tiền bạc, tôn giáo, chính trị.
Người Bỉ
Khi làm quen hoặc tạm biệt họ có thói quen bắt tay, không dùng tên thân mật trừ khi là bạn bè. Khi ôm hôn, họ hôn đều lên cả hai bên má ba lần. Họ cũng rất đúng giờ. Tiếng Pháp và tiếng Hà Lan là ngôn ngữ được người Bỉ sử dụng. Người Bỉ nấu ăn khá sành điệu, hay bông đùa về người Hà Lan. Đối với họ, khi đi mà xỏ tay vào túi hay nắm tay nhau là thiếu lịch sự. Chủ đề hay được nói đến: bóng đá, lịch sử, dạo chơi bằng xe đạp. Họ tránh né những vấn đề chính trị, và không thích bị nhầm là người Pháp.
Người Bỉ hôn hai bên má khi giao tiếp (Nguồn: vietliketravel)
Người Bungari
Họ thường bắt tay khi giao tiếp, và hầu hết đều biết nói tiếng Nga và tiếng Đức. Họ có thói quen hẹn trước và rất đúng giờ. Một điều cần lưu ý trong văn hóa ứng xử với họ là khi họ lắc đầu là đồng ý và gật đầu là không đồng ý. Họ thường mang tặng hoa, kẹo, rượu khi được mời. Bữa tối của họ hay có bánh mì với nước xốt thịt. Chủ đề ưa thích là gia đình, cuộc sống riêng tư, nghề nghiệp. Họ tránh các chủ đề: chính trị, tôn giáo.
Người Hà Lan
Văn hóa ứng xử với người Hà Lan là bạn nên tự giới thiệu bản thân vì người Hà Lan thích thế. Bản thân người Hà Lan cũng có thói quen tự giới thiệu. Sau đó họ sẽ bắt tay với tất cả mọi người, kể cả trẻ em. Họ không xoay người khi giao tiếp và không phô trương. Người Hà Lan thông thạo tiếng Anh và một số tiếng châu Âu khác. Họ thường đưa ra những ý kiến chính xác và không thích nói quá sự thật. Họ cũng rất để tâm đến vấn đề giờ giấc. Họ thích cách gói quà truyền thống khi mang đi tặng. Niềm tự hào của người Hà Lan chính là lịch sử đất nước, thương mại. Chủ đề ưa thích là chính trị, du lịch, thể thao và đánh giá cao sự chân thực trong thương mại.
Người Italia
Họ có thói quen bắt tay và nắm khuỷu tay khi giao tiếp. Các cử chỉ, điệu bộ là cách mà người Italia biểu lộ thái độ, tình cảm. Họ rất ít khi xưng hô bằng tên thân mật. Tuy vậy, các cuộc tiếp xúc xã giao họ luôn chú ý tới giờ giấc và không ưa kéo dài, không nói chuyện kinh doanh trong buổi gặp gỡ xã giao, họ ăn bữa chính vào buổi trưa. Người Italia thích bàn luận về các sự kiện thế giới, bóng đá và gia đình. Họ tránh các chủ đề về Maphia, chính trị, tôn giáo, thuế má.
Người Ba Lan
Khi tiếp đón và tạm biệt, nam giới có thói quen hôn tay phụ nữ. Tên thân mật chỉ được gọi giữa bạn bè với nhau. Họ thường tặng quà cho nữ chủ nhà khi được mời và chúc tụng nhau vào bữa tối, trong bữa tiệc. Họ theo Thiên chúa giáo và tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của mình. Chủ đề ưa thích là lịch sử, văn hóa, phong trào đoàn kết. Họ tránh các chủ đề: mối quan hệ với Liên Xô (cũ), Đông Đức (cũ)…
Người Ba Lan thường có thói quen tặng quà cho nữ chủ nhà (Nguồn: )
Người Tây Ban Nha
Họ khá nhiệt tình trong giao tiếp. Khi đã thân thiết họ thường hay ôm hôn khi gặp và chia tay. Khi ứng xử, họ hay nói chuyện vui trước khi vào công việc chính. Họ cần thông tin về địa chỉ rất ngắn gọn. Người Tây Ban Nha ăn tối muộn: từ 10 giờ tối trở đi và bữa chính là buổi trưa, thường từ 13h00 tới 16h30. Họ không thích hoa cúc. Khi giao tiếp đôi khi họ chen ngang hoặc ngắt lời để thể hiện sự nhiệt tình. Chủ đề ưa thích là thể thao, du lịch, lịch sử. Họ tránh các chủ đề về chính trị, tôn giáo, gia đình, nghề nghiệp.
>> Những điều thú vị trong văn hóa Châu Âu
Theo Dichthuattinviet